An ninh và khủng bố đang là thách thức lớn nhất tại Ai Cập

Vụ tấn công tại đền thờ Hồi giáo Rawdah tại một ngôi làng cùng tên ở ngoại ô thành phố Al Arish thuộc tỉnh Bắc Sinai hôm 24/11 đã phơi bày "chiến lược mới" của các phần tử khủng bố ở Ai Cập.
An ninh và khủng bố đang là thách thức lớn nhất tại Ai Cập ảnh 1Binh sỹ quân đội Ai Cập tiến hành chiến dịch truy quét khủng bố ở El-Arish, cách Cairo 350km về phía Đông Bắc. (Nguồn: Reuters/ TTXVN)

Vụ tấn công khủng bố nhằm vào một đền thờ Hồi giáo ở tỉnh Bắc Sinai của Ai Cập khiến hơn 305 người thiệt mạng và 128 người bị thương cho thấy chủ nghĩa khủng bố đang là mối đe dọa nghiêm trọng nhất và là thách thức lớn nhất hiện nay tại đất nước Kim tự tháp.

Từng là nạn nhân của làn sóng “Mùa Xuân Arab” năm 2011, song dưới thời Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi, tình hình Ai Cập đã phần nào ổn định trở lại. Nền chính trị được củng cố và giữ vững, đặc biệt sau khi tiến trình chuyển tiếp chính trị gồm 3 giai đoạn được hoàn tất với cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức thành công vào cuối năm 2015.

Sau hơn 3 năm cầm quyền, Tổng thống Sisi đã đưa đất nước Ai Cập cơ bản thoát ra khỏi vòng xoáy bạo lực sau 2 cuộc chính biến kể từ năm 2011, cũng như dần vực dậy nền kinh tế vốn suy yếu do bất ổn chính trị và an ninh, đồng thời khôi phục vai trò và vị thế của Ai Cập trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, sự nổi lên của chi nhánh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Bán đảo Sinai cũng như một vài nhóm cực đoan khác đã trở thành mối lo thường trực đối với chính quyền và nhân dân Ai Cập trong những năm gần đây.

Chính quyền Ai Cập đã và đang đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố, tăng cường an ninh ở khắp nơi và đã đạt được nhiều kết quả bước đầu.

Các chiến dịch truy quét đã tiêu diệt nhiều phần tử khủng bố cũng như phát hiện và triệt xóa các hang ổ, phá hủy nhiều kho cất giấu vũ khí, phương tiện, thiết bị nổ của IS và một số nhóm cực đoan khác.

Song, tình hình an ninh vẫn chưa được cải thiện nhiều và khủng bố đang là thách thức lớn nhất tại Ai Cập hiện nay, khi làn sóng tấn công khủng bố không ngừng gia tăng cả về tần suất và mức độ thương vong trong thời gian qua.

[Đã có 305 người thiệt mạng trong vụ tấn công đền thờ Hồi giáo Ai Cập]

Vụ tấn công tại đền thờ Hồi giáo Rawdah tại một ngôi làng cùng tên ở ngoại ô thành phố Al Arish thuộc tỉnh Bắc Sinai hôm 24/11 đã phơi bày "chiến lược mới" của các phần tử khủng bố ở Ai Cập, với các mục tiêu tấn công đã được chúng mở rộng.

Nếu như trước đây lực lượng quân đội, cảnh sát, quan chức chính phủ, người nước ngoài, trụ sở các cơ quan trọng yếu và cơ quan đại diện ngoại giao... là những mục tiêu tấn công của khủng bố, thì nay chúng hướng tới cả cộng đồng Cơ đốc giáo và người Hồi giáo, với nhiều phương thức tấn công khác nhau như xả súng, tấn công liều chết bằng bom xe hoặc đai bom...

Sau một loạt vụ “tấn công tôn giáo” nhằm vào cộng đồng người Cơ đốc giáo thiểu số từ cuối năm 2016 khiến hơn 100 người thiệt mạng, các phần tử khủng bố lần đầu tiên tấn công thánh đường Hồi giáo ở Ai Cập.

Quy mô và mức độ tàn bạo của vụ tấn công cũng cho thấy sự liều lĩnh và nguy hiểm của khủng bố. Khoảng 30 phần tử khủng bố đã kích hoạt các thiết bị nổ tự chế, sau đó nã đạn vào đám đông gồm hàng trăm người đang tham gia buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu.

Với 305 người thiệt mạng, trong đó có 27 trẻ em, và 128 người khác bị thương, vụ tấn công vào đền thờ Hồi giáo Rawdah là vụ gây thương vong lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Ai Cập.

Mặc dù chưa có nhóm nào nhận gây ra vụ tấn công tàn bạo này, nhưng dư luận Ai Cập và khu vực nhận định thủ phạm là một nhóm tự nhận mình là "Nhà nước Sinai" hoặc "tỉnh Sinai," hoạt động chủ yếu tại Bán đảo Sinai và có quan hệ với IS, vốn đã thừa nhận thực hiện hàng hoạt động khủng bố quy mô lớn tại Ai Cập trong những năm vừa qua.

Trong bối cảnh IS đang thất thủ ở cả Syria và Iraq, rất có thể nhóm khủng bố này sẽ đẩy mạnh chiến dịch tấn công ở Ai Cập và chuyển hẳn địa bàn hoạt động sang khu vực bán đảo Sinal đầy bất ổn.

An ninh và khủng bố đang là thách thức lớn nhất tại Ai Cập ảnh 2Khói bốc lên nghi ngút tại hiện trường vụ tấn công đền thờ Al Rawdah ngày 24/11. (Nguồn: Terris/TTXVN)

Ngoài chi nhánh IS ở Sinai, Ai Cập đang đối mặt với các mối đe dọa từ tổ chức khủng bố Hasm, nhóm thánh chiến Ajnad Misr (Các chiến binh Ai Cập) và một số nhóm khác có liên quan tới Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) vốn đã bị loại ra khỏi chính trường Ai Cập sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohammed Morsi hồi tháng 7/2013.

Đặc biệt, nhóm Hasm đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với Ai Cập. Đây là nhóm thánh chiến “bí hiểm” xuất hiện vào tháng 1/2014, chỉ 6 tháng sau cuộc chính biến lật đổ ông Morsi, được cho là tổ chức kế thừa nhánh quân sự của MB.

Hasm có thể là mối đe dọa lớn hơn cả IS, nhờ vào thanh thế lịch sử của MB, và bởi nhóm này chủ yếu "hoạt động trong bóng tối."

Bên cạnh đó, hầu hết các thành viên của Hasm đều không có hồ sơ hình sự, khiến việc theo dõi và bắt giữ các thành viên của nhóm này đều khó khăn, ngay cả sau khi chúng tiến hành các hoạt động cực đoan.

Ngoài việc sát hại nhiều sỹ quan cảnh sát và quân đội, Hasm đã tuyên bố gây ra vụ mưu sát bất thành cựu giáo sỹ Ali Gomaa hồi tháng 8/2016 và Phó Tổng công tố Zakaria Abdel Aziz vào tháng 9/2016.

Hiện không có nhiều thông tin về việc Hasm lấy vũ khí và nguồn tài chính từ đâu và nhóm này có bao nhiêu thành viên đang hoạt động tại Ai Cập.

Tuy nhiên, từ quy mô và tính chất các hoạt động mà nhóm này nhận gây ra, có thể thấy các chiến binh Hasm được huấn luyện và được vũ trang đầy đủ.

Những diễn biến mới nhất cho thấy an ninh đang là vấn đề nghiêm trọng nhất tại Ai Cập. Theo đánh giá, tình hình an ninh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp theo chiều hướng xấu hơn khi cuộc bầu cử tổng thống của nước này, dự kiến diễn ra vào giữa năm tới, đang đến gần.

Ý đồ của các nhóm khủng bố là hòng phá hoại nền hòa bình, ổn định cũng như những thành tựu mà chính quyền của Tổng thống al-Sisi đạt được trong những năm qua, đồng thời gây bất ổn và chia rẽ tôn giáo trên cả khu vực Trung Đông.

Để đối phó với khủng bố, Ai Cập cần một chiến lược quốc gia tổng thể và toàn diện, cùng sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của các nước khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục