Tờ Washington Post ngày 24/9 dẫn lời một số chuyên gia cho rằng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên không còn lớn như trước đây, hay nói cách khác là đang ở mức yếu nhất.
Trước việc Mỹ và Triều Tiên đe dọa "hủy diệt" lẫn nhau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi các bên kiềm chế, đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng và Washington không đổ thêm dầu vào lửa. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng ở phía sau cánh gà, Trung Quốc đang tức giận hơn bao giờ hết đối với Triều Tiên cũng như tình hình trong khu vực.
Là đối tác thương mại hàng đầu của Triều Tiên, Trung Quốc được coi như chiếc chìa khóa để giải quyết khủng hoảng, tuy nhiên tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng đang ở mức yếu nhất từ trước đến nay.
[Liên lạc cấp cao giữa Trung Quốc và Triều Tiên bị gián đoạn]
Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế của Viện nghiên cứu Lowy (Australia) Euan Graham nhận định: "Triều Tiên đã hiểu được rằng Trung Quốc thật ra đang bị trói buộc. Sau khi kêu than trong thời gian dài về việc tầm ảnh hưởng bị hạn chế, Trung Quốc hiện đã thực sự có rất ít ảnh hưởng đối với Triều Tiên."
Điều quan trọng là Trung Quốc vẫn đang ngần ngại trong việc cắt nguồn cung dầu mỏ tới Triều Tiên. Hôm 23/9, Trung Quốc tuyên bố sẽ giới hạn mức xuất khẩu đối với các sản phẩm xăng dầu tinh chế, đồng thời cấm xuất khẩu khí tự nhiên ngưng tụ và hóa lỏng tới Triều Tiên, nhằm tuân thủ nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc.
Ông Graham cho rằng để đề phòng, Triều Tiên được cho là đã dự trữ nguồn dầu mỏ cho 6-9 tháng, đủ để Bình Nhưỡng duy trì hoạt động cho quân đội cùng một số ngành công nghiệp quan trọng trong một thời gian ngắn.
Bắc Kinh không sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể khiến chính quyền Triều Tiên sụp đổ, bởi điều này có thể dẫn đến làn sóng tị nạn tràn qua biên giới sang Trung Quốc, đồng thời thống nhất Bán đảo Triều Tiên dưới một chính quyền thân Mỹ./.