APEC 2017: Tìm giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa

100 đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC, các chuyên gia tài chính, ngân hàng thế giới đã tập trung thảo luận về các thách thức đối với nền tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
APEC 2017: Tìm giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trong khuôn khổ Tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng APEC 2017 về doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngày 11/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Diễn đàn “Nâng cao khả năng tiếp cận tài chính trong thời đại kỹ thuật số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” với sự tham dự của khoảng 100 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, các chuyên gia tài chính, ngân hàng của nhiều tổ chức tài chính, kinh tế thế giới.

Diễn đàn gồm 4 phiên họp, tập trung thảo luận về các thách thức đối với nền tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), những đổi mới gần đây quanh khu vực châu Á-Thái Bình Dương; gia tăng chuỗi cung ứng tài chính (SCF) nhằm tăng cường sức cạnh tranh và sự đổi mới, cải cách của các SME; phát triển các chương trình SCF điện tử trong thời đại kỹ thuật số; các giải pháp phát triển SCF, chương trình SCF điện tử ở Việt Nam và các nền kinh tế khác thuộc APEC.

Khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Hoa Cương, Chủ tịch Nhóm công tác SME của APEC 2017, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho rằng, trong chiến lược phát triển kinh tế, mỗi quốc gia phải có chính sách ưu tiên phát triển các SME, tạo việc làm cho người lao động, tăng sức cạnh tranh doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua tự do hóa thương mại xuyên biên giới.

Vì thế, rất cần có giải pháp hỗ trợ tài chính, giúp các SME tiếp cận nguồn vốn, tăng cường năng lực cạnh tranh, vượt qua các thách thức để phát triển và đóng góp vào nền kinh tế quốc gia.

Theo ông Kyle F.Kelhofer, Giám đốc quốc gia Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam-Lào-Campuchia thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn hướng tới thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ tài chính cho các SME thông qua chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu bằng việc áp dụng công nghệ hiện đại; chia sẻ các thách thức hoạt động tài trợ đồng thời cung cấp dịch vụ tài chính chính thức và mang tính bền vững hơn.

[Khởi động chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo doanh nghiệp SME]

“IFC đã và đang hỗ trợ phát triển tài trợ tại các quốc gia khác như Mông Cổ, Philippines, Lào, Trung Quốc... và sẽ thúc đẩy tài trợ tín dụng tại Việt Nam nhằm tạo ra các sản phẩm mới, làm tăng các chuỗi giá trị cung ứng dựa trên nền tảng công nghệ điện tử hiện đại”, ông Kely F.Kelhofer chia sẻ thêm.

Trong khi đó, theo ông Jonas Grunder, Phó Giám đốc cơ quan hợp tác của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tại Việt Nam, Diễn đàn là cơ hội để các doanh nghiệp, tổ chức tài chính quốc tận dụng thế mạnh công nghệ, mở rộng tài trợ vốn cho chuỗi cung ứng.

APEC 2017: Tìm giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ảnh 2Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

SECO cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển hạ tầng, tài chính tại Việt Nam, đặc biệt là các giao dịch đảm bảo, giải quyết nợ xấu và các hoạt động thanh toán, giúp thị trường tài chính Việt Nam phát triển, nâng cao năng lực cho vay của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, sự hiểu biết về việc thúc đẩy tài chính cho các SME; trao đổi giải pháp thúc đẩy hỗ trợ tài chính cho các SME qua chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, rút ra bài học đổi mới sáng tạo các SME từ các mô hình điển hình; giải quyết thách thức của hoạt động tài trợ theo chuỗi giá trị của khu vực nói chung và của Việt Nam nói riêng.

Các đại biểu cũng bàn thảo về cách thức thúc đẩy mối quan hệ trong chuỗi giá trị và việc áp dụng công nghệ hiện đại nhằm giúp các SME được cung cấp dịch vụ tài chính mang tính bền vững hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục