Argentina lên kế hoạch phóng vệ tinh địa tĩnh tự tạo thứ hai

Vệ tinh địa tĩnh mang tên Arsat 2 do các nhà khoa học Argentina chế tạo đã được chuyển vào container chuẩn bị vận chuyển sang bãi phóng Kourou để đưa vào vũ trụ trong tháng Chín.
Argentina lên kế hoạch phóng vệ tinh địa tĩnh tự tạo thứ hai ảnh 1Arsat 2 sẽ được phóng lên quỹ đạo Trái Đất. (Nguồn: diarioregistrado.com)

Ngày 12/8, vệ tinh địa tĩnh mang tên Arsat 2 do các nhà khoa học Argentina chế tạo đã được chuyển vào container chuẩn bị vận chuyển sang bãi phóng Kourou ở lãnh thổ Guayana thuộc Pháp tại Nam Mỹ để đưa vào vũ trụ trong tháng Chín.

Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, ngày 18/8, vệ tinh Arsat 2 sẽ được vận chuyển từ sân bay thành phố Bariloche, tỉnh Rio Negro, trên máy bay Antonov sang sân bay Cayenne của Guayana.

Trao đổi với báo giới, Giám đốc Chương trình vệ tinh địa tĩnh Arsat, Matías Bianchi, đã bày tỏ vui mừng vì chỉ trong ít ngày nữa, vệ tinh địa tĩnh thứ hai do chính các nhà khoa học Argentina sản xuất sẽ được phóng lên quỹ đạo Trái Đất cùng với Arsat 1.

Ông Bianchi khẳng định dự án phát triển công nghệ vệ tinh Arsat của Argentina, do cố Tổng thống Néstor Kirchner khởi xướng và được vợ ông, đương kim Tổng thống Cristina Fernández, tiếp tục phát triển, sẽ góp phần khẳng định chủ quyền trong không gian và nâng vị thế của nước này trên trường quốc tế.

Khác với Arsat 1 - cũng do các chuyên gia Argentina sản xuất - được phóng vào ngày 16/10 năm ngoái tại Guayana, Arsat 2 có tới 3 ăngten băng tần Ku thay vì 1 như trước. Với tuổi đời thiết kế 15 năm, vệ tinh sẽ cung cấp dịch vụ điện thoại IP, truyền hình số, Internet và truyền dữ liệu cho Argentina và một số nước láng giềng.

Trong khuôn khổ dự án sản xuất vệ tinh Arsat, Argentina dự kiến chế tạo 3 vệ tinh viễn thông địa tĩnh.

Việc Argentina phóng thành công Arsat 1 vào năm ngoái đánh dấu mốc mới trong nỗ lực phát triển công nghệ của quốc gia Nam Mỹ này.

Cho đến nay trên thế giới chỉ có Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật, Israel, Ấn Độ, Liên minh châu Âu và Argentina có khả năng chế tạo vệ tinh lớn như Arsat. Trước đó, Argentina từng chế tạo vệ tinh hạng nhẹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục