Australia lập ngân hàng DNA chống buôn lậu động vật hoang dã

Công ty kiểm toán độc lập KPMG khuyến cáo chính phủ thành lập ngân hàng dữ liệu DNA của các loài chim trước khi mở rộng ra tất cả các loài động vật khác.
Australia lập ngân hàng DNA chống buôn lậu động vật hoang dã ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: ocregister.com)

Bộ trưởng Môi trường Australia Susan Ley ngày 22/2 cho biết chính phủ nước này sẽ chấp thuận các kiến nghị của công ty kiểm toán độc lập KPMG liên quan đến giấy phép xuất khẩu các loài động vật thông thường, theo đó cần lập một cơ sở dữ liệu gene DNA của tất cả các loại động vật xuất nhập khẩu vào Australia nhằm ngăn chặn nạn buôn lậu động vật hoang dã.

Báo cáo của KPMG cho biết nhiều loài bị đe dọa diệt chủng như vẹt mào đen bóng và vẹt mũ miện tím đang bị xuất khẩu qua thị trường chợ đen. KPMG khuyến cáo chính phủ thành lập ngân hàng dữ liệu DNA của các loài chim trước khi mở rộng ra tất cả các loài động vật khác.

Bộ trưởng Ley cho biết: "Sự liên quan của tội phạm có tổ chức vào việc buôn bán động vật, các hoạt động buôn bán tinh vi xuyên biên giới và giá bán rất cao của các loài động vật hoong dã Australia trên thị trường chợ đen (thậm chí lên tới hàng trăm nghìn USD) cho thấy cần có các biện pháp răn đe mạnh nhất. Điều quan trọng là phải đặt ra các quy định nghiêm ngặt nhất để quản lý hoạt động buôn bán động vật hoang dã."

[Những mối đe dọa lớn nhất đối với đa dạng sinh học trên Trái Đất]

Bà Ley đã chỉ định một kiểm toán viên để điều tra ngay trong bộ của mình liên quan đến quyết định của các quan chức bộ trong vụ hàng trăm con vẹt thuộc diện đang gặp nguy cơ tuyệt chủng được xuất khẩu sang Đức trong ba năm qua.

Australia và Đức là các bên tham gia Công ước quốc tế về buôn bán động vật có nguy cơ tuyệt chủng (Cites), văn kiện điều chỉnh hoạt động xuất nhập khẩu các loại chim hoang dã quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Luật pháp Australia quy định cấm xuất khẩu các loài động vật bản địa vì mục đích thương mại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục