Ba năm công tác ở Thông tấn xã Giải phóng - Những kỷ niệm vui buồn

Thông tấn xã Giải phóng, cơ quan làm việc và đài phát đặt trên đất Việt Nam, ngày nào cũng phát tin và thu tin mà địch không phát hiện được chỗ làm việc.
Ba năm công tác ở Thông tấn xã Giải phóng - Những kỷ niệm vui buồn ảnh 1Bồi dưỡng nghiệp vụ ảnh báo chí cho các phóng viên tại căn cứ Thông tấn xã Giải phóng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Cố nhà báo Bùi Thanh Tụng - nguyên quyền Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng, đã có ba năm làm việc (1962-1965) ở đây và có rất nhiều kỷ niệm vui, buồn.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết của cố nhà báo:

Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức tuyên bố thành lập, nhưng Thông tấn xã Giải phóng đã ra đời trước đó (số đầu tiên ra ngày 12/10/1960).

Sở dĩ nói vậy là tháng 11/1960, khi tôi ở Campuchia về khu, nằm nghỉ ở trạm giao liên Tà Bân đã đọc bản tin Giải phóng xã.

Về đến căn cứ, trong khi chờ nhận công tác, đồng chí Hai Xô, phụ trách quân sự R, điều sang làm Giám đốc Công binh xưởng kiêm Bí thư Chi bộ Công binh xưởng đóng ở suối Bà Chiêm (từ 01/1961 đến 01/1962), được điều về Ban Tuyên huấn R.

Đồng chí Trần Bạch Đằng, lúc đó làm Trưởng ban Tuyên huấn, phân công tôi làm Phó giám đốc Thông tấn xã Giải phóng. Đồng chí Tân Đức làm Giám đốc. Được phân công làm Phó Giám đốc, tôi đã trình bày với đồng chí Trần Bạch Đằng là tôi có biết Thông tấn xã Giải phóng ra sao đâu mà làm. Nhưng đồng chí Trần Bạch Đằng bảo: “Cứ làm rồi sẽ biết."

Thế là tôi chính thức nhận chức Phó giám đốc Thông tấn xã Giải phóng từ tháng 2/1962. Mấy tháng sau, đồng chí Tân Đức lên phụ trách thường trực Ban và giao cho tôi làm quyền Giám đốc, cho đến tháng 5/1965 được lệnh điều xuống T4 làm Phó ban Tuyên huấn T.

Năm 1962, Thông tấn xã Giải phóng đã có Tổ điện báo gồm các đồng chí Ba Đỗ, Chín Chiêu và Sáu Nghĩa. Đánh máy có cô Nguyệt, tư liệu có đồng chí Minh Kính, còn cán bộ biên tập, ngoài đồng chí Tân Đức chưa có ai. Sau được bổ sung đồng chí Út Thiện, từng công tác ở báo Trung lập bên Campuchia về, tiếp đó có cô Khẩn ở trong thành ra, và đồng chí Mười Ngà ở miền Bắc vào. Tất cả anh chị em biên tập chưa ai qua một lớp nghiệp vụ nào cả, nhưng khi được giao công việc không có ai thoái thác.

Ở các khu đều đã có phân xã, hàng ngày cung cấp tin về cho tổng xã. Thời kỳ này phong trào đấu tranh của quần chúng phá ấp chiến lược và hoạt động vũ trang đang lên mạnh nên tin tức các địa phương cung cấp về rất dồi dào.

Anh em điện báo viên vừa nhận tin các phân xã gửi về và chuyển tin ra Hà Nội, làm việc không có giờ nghỉ. Ngoài ra còn nhận tin tham khảo và các loại tin khác của Hà Nội chuyển vào để cung cấp cho lãnh đạo. Tin tức nhiều nhất trong thời gian này là của Phân xã T2.

Ngoài nguồn tin của các phân xã, còn có thông báo của Ban quân sự R và của lãnh đạo Trung ương Cục và các đoàn thể quần chúng, của Mặt trận Dân tộc Giải phóng cung cấp. Đây là các tin tức mật, Thông tấn xã Giải phóng phải biên tập lại cho phù hợp để đưa ra công khai.

[60 năm TTXGP: Dòng tin không ngừng chảy giữa chiến trường ác liệt]

Ngoài việc biên tập tin để cho Đài Phát thanh Giải phóng phát hàng ngày, Thông tấn xã Giải phóng phải dự thảo các bức điện chào mừng các tổ chức quốc tế hoặc Chính phủ có quan hệ với Mặt trận, do đó anh em biên tập làm việc khá vất vả nhưng vui.

Có hôm tin tức làm xong sớm, buổi tối anh em còn tranh thủ đi cắm câu để cải thiện đời sống.

Do chưa hiểu cung cách gửi điện chúc mừng, cứ tưởng đánh lên là xong, nên các bức điện đều dài. Một lần đánh điện mừng Ủy ban Đoàn kết Á Phi dài đến gần hai trang đánh máy, sau khi nghe trung ương cho biết phải thanh toán đến hàng nghìn USD mới hoảng, nên từ đó về sau các bức điện hiếu hỷ phải viết thật ngắn và cô đọng.

Ba năm làm việc (1962-1965) ở Thông tấn xã Giải phóng cũng có nhiều kỷ niệm vui, buồn. Một lần phát bản Tuyên bố về chính sách trung lập 10 điểm bị Trung ương phê bình.

Một lần Phân xã khu 5 gửi tin vào báo là bắt được bốn tù binh Mỹ (hai nam, hai nữ) đề nghị Tổng xã phát gấp, loại tin ưu tiên số một. Tôi phân vân chưa phát, đề nghị hỏi lại cho rõ thì được trả lời tin chính xác đề nghị Tổng xã phát gấp. Tôi nghi ngờ đây là Mỹ dân sự, không phải quân sự nên quyết định không phát.

Khu ủy điện vào Trung ương đề nghị “xem xét cán bộ Tổng xã có phân biệt đối xử khu V và Nam Bộ không” mà tin tức của Nam Bộ thì phát nhiều, còn tin của khu V loại ưu tiên số một lại ngâm đến 4, 5 ngày không chịu phát.

Sáu ngày sau Phân xã khu V điện khẩn vào xin hủy tin này vì đây là bốn nhân viên dân sự Mỹ làm việc ở một trại phong ở Tây Nguyên. Thật là hú vía, nếu phát tin đó lên thì rắc rối to về ngoại giao như trường hợp Đài Phát thanh Giải phóng đưa tin về vụ một tên cố vấn Mỹ làm công tác bình định ở Long An.

Năm 1964, được tăng cường một số cán bộ ở miền Bắc vào, Thông tấn xã Giải phóng mới mở được một lớp phóng viên báo chí thông tấn hơn 60 người gồm các đồng chí từ khu 6 trở vào. Lớp học tuy thời gian ngắn nhưng cũng đã cung cấp cho anh chị em kiến thức về nghiệp vụ công tác thông tấn báo chí.

Một điều đặc biệt là ba năm tôi công tác ở Thông tấn xã Giải phóng, cơ quan làm việc và đài phát đặt trên đất Việt Nam, ngày nào cũng phát tin và thu tin mà địch không phát hiện được chỗ làm việc, mặc dầu nghe nói dịch dò tọa độ phát sóng rất giỏi và đánh trúng nơi phát tin đến 90%.

Không khí làm việc khẩn trương, sinh hoạt kham khổ, nhưng anh chị em không có ai kêu ca hoặc đào ngũ theo giặc. Thời gian công tác ngắn ngủi chỉ có ba năm, nhưng để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm. Hôm nay ghi lại mấy dòng này để tưởng nhớ các đồng chí một thời công tác ở Thông tấn xã Giải phóng đã hy sinh như nữ đồng chí Khẩn - một học sinh ở Sài Gòn ra, và đồng chí Năng bảo vệ đã anh dũng ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ ở Bến Cát - quê hương đồng chí./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục