Bài học kinh nghiệm từ vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên

Việc điều tra chống bán phá giá đầu tiên tại Việt Nam đối với mặt hàng thép không gỉ nhập khẩu ghi nhận sự chủ động của doanh nghiệp trong bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Bài học kinh nghiệm từ vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thông qua các Hiệp định Thương mại tự do, việc kiện chống bán phá giá được xem là một trong ba công cụ hợp pháp và hữu ích mà các doanh nghiệp và ngành hàng có thể sử dụng để bảo vệ thị trường nội địa của mình.

Đây là nội dung chính được đề cập tại hội thảo “Vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên tại Việt Nam: Kết quả và bài học kinh nghiệm” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 18/9, ở Hà Nội.

Hội thảo diễn ra ngay sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định về việc áp thuế chống bán phá giá mặt hàng thép không rỉ cán nguội nhập khẩu.

Không tác động nhiều đến doanh nghiệp nhập khẩu

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, những năm qua, Việt Nam phải chịu khoảng 100 vụ kiện thương mại; trong đó có gần 50 vụ kiện chống bán phá giá, và đây là lần đầu tiên Việt Nam sử dụng công cụ này thành công.

Theo kết luận cuối cùng được Cục Quản lý cạnh tranh đưa ra đã có hiện tượng chống bán phá giá thép không gỉ nhập khẩu từ 4 nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam gồm Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.

Do đó, Việt Nam sẽ chính thức áp thuế chống bán phá giá với các sản phẩm nhập khẩu từ các thị trường này từ ngày 5/10 tới. Đây là tín hiệu tích cực và với mức thuế tương đối thấp, từ 3,07-37,29%, sẽ không gây nhiều tác động đến các doanh nghiệp nhập khẩu, cũng như thị trường trong nước.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng, so với nhu cầu trong nước hiện nay, năng lực sản xuất thép không gỉ trong nước có thể hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, thực tế sản xuất ở các doanh nghiệp đến nay vẫn chưa thể đạt được công suất thiết kế do phải cạnh tranh gay gắt với một lượng lớn thép không gỉ nhập khẩu đến từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan.

Doanh nghiệp nước ngoài bán phá giá gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và các doanh nghiệp Việt Nam có quyền yêu cầu, kiến nghị điều tra. Đây là biện pháp bảo vệ mình và phù hợp chuẩn mực quốc tế. Tất nhiên, sẽ có nhiều ý kiến mâu thuẫn lợi ích từ các doanh nghiệp nhập khẩu, do lo ngại chi phí đầu vào sẽ tăng cao.

Theo bà Phạm Châu Giang, Trưởng Phòng Điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh, mục đích của việc áp thuế chống bán phá giá không phải để bảo hộ nền sản xuất trong nước mà để lập lại môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa nước ngoài đang nhập khẩu vào Việt Nam và đang bán phá giá với hàng hóa được sản xuất trong nước.

Việc áp thuế chống bán phá giá cũng sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm thép không gỉ.

Bà Giang cho biết, theo Công văn số 8300 ngày 23/6/2014 của Bộ Tài chính về áp dụng thuế tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, sẽ áp dụng thuế chống bán phá giá như thuế nhập khẩu. Tức là khi doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa này gia công chế xuất để xuất đi nước ngoài thì sẽ được miễn thuế chống bán phá giá hoặc được hoàn lại trong trường hợp nếu đã phải nộp thuế chống bán phá giá. Như vậy, có thể nói kết quả vụ kiện này không tác động đến doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam sử dụng sản xuất để xuất khẩu đi nước ngoài.

Còn đối với các doanh nghiệp sử dụng để sản xuất cho hàng hóa trong nước, bà Giang cho rằng, hiện xuất khẩu thép vào Việt Nam có nhiều nước, do đó, các nhà sản xuất trong nước có thể nhập khẩu từ các nguồn khác mà không bị đánh thuế chống bán phá giá. Hơn nữa vì sản phẩm nhập khẩu thì chỉ chiếm phần nhỏ nên sẽ không tác động quá nhiều đến thị trường và người tiêu dùng.

Chủ động các biện pháp phòng vệ

Đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện chống bán phá giá được nhắc đến. Thực tế, ngay trong năm 2014, chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ việc Việt Nam bị kiện chống bán phá giá các mặt hàng vải bạt nhựa, ống dẫn dầu, lốp xe đạp và sản phẩm thép hàn không gỉ chịu lực, tấm thép không hợp kim cán nóng... Tuy nhiên, nhìn nhận lại những vụ việc đã qua, cũng như đánh giá kết quả từ việc điều tra chống bán phá giá đầu tiên đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào thị trường nội địa , tại hội thảo, nhiều chuyên gia đều cho rằng, các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và coi các biện pháp phòng vệ thương mại như chiến lược trong kinh doanh.

Theo bà Phạm Châu Giang, trong vụ kiện đối với sản phẩm thép lần này, ngoài hạn chế từ nguồn nhân lực của cơ quan điều tra, rào cản về ngôn ngữ, hệ thống tài chính kế toán thì sự chuẩn bị của các doanh nghiệp liên quan chưa tốt.

“Khi chúng tôi thông báo các bên liên quan, các doanh nghiệp đăng kí để có thể tiếp cận hồ sơ thì rất nhiều doanh nghiệp không quan tâm, đăng kí. Nhưng khi có vấn đề, có quyết định áp thuế thì các doanh nghiệp này muốn tìm hiểu tiếp cận hồ sơ, tài liệu thì đã muộn” bà Giang cho hay .

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng, đối với công cụ chống bán phá giá, các doanh nghiệp ngành thép đã tham gia nhiều, nhưng nhìn chung thì doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thực sự có ý thức phối hợp cùng các cơ quan điều tra để cung cấp số liệu, thông tin giúp quá trình điều tra chuẩn xác và thuận lợi. Điều này có thể lý giải do các doanh nghiệp thép nhập khẩu, kể cả sản xuất lẫn thương mại đều nhỏ, nên chiến lược lâu dài cũng như hiểu biết về luật pháp quốc tế còn nhiều hạn chế.

Vì vậy, một trong những kinh nghiệm rút ra là trong thời gian tới, với các vụ tranh chấp thương mại thì các doanh nghiệp cần chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ, thông tin và hợp tác với các cơ quan điều tra, như vậy sẽ có lợi cho các doanh nghiệp và thuận lợi cho cơ quan điều tra. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường năng lực chuyên môn để giúp doanh nghiệp trong các vụ tranh tụng thương mại.

Ông Lê Sỹ Giảng, chuyên viên điều tra về chống bán phá giá cho rằng, thực tế, đây là vụ việc ghi nhận lần đầu tiên doanh nghiệp trong nước đã biết sử dụng công cụ hợp pháp và phù hợp trong cạnh tranh thương mại quốc tế để bảo vệ quyền lợi và sản xuất của mình.

Tuy nhiên, điểm đáng nói là sự quan tâm và chuẩn bị của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu đối với phòng vệ thương mại còn rất hạn chế. Các doanh nghiệp thường phản biện rất sơ sài, không đưa ra những chứng cứ, thông tin đầy đủ để bảo vệ chính mình. Điều này khiến việc đánh giá lợi ích kinh tế-xã hội trong nước của các cơ quan thẩm tra, đánh giá chưa sát thực.

Có thể nói, chống bán phá giá không phải là biện pháp phòng vệ mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Song điều cần thiết nhất trong chống bán phá giá cho các doanh nghiệp là doanh nghiệp phải chủ động hơn trong việc xác định chiến lược.

Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp càng có sự chuẩn bị tốt đối với hồ sơ, chứng từ và có sự hợp tác chủ động với các cơ quan điều tra thì việc sử dụng những biện pháp phòng vệ sẽ càng thành công, hiệu quả hơn, cũng như giảm tác động tiêu cực trong sản xuất kinh doanh do các vụ việc kiện chống bán phá giá đem lại ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục