Một số tờ báo của Hong Kong mới đây cho rằng, Trung Quốc đang ngày càng rơi vào thế cô lập trong vấn đề Biển Đông.
Tờ Đông phương ngày 21/12 nêu rõ, gần đây Trung Quốc ra sức kêu gọi các nước liên quan tiến hành thương lượng trực tiếp để giải quyết tranh chấp tại khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, dường như đã nhận thức rất rõ mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh, nên đã không một nước nào hưởng ứng “thiện chí” này của Trung Quốc.
Tờ Bình quả Hong Kong ngày 22/12 đưa tin, mới đây khi tham dự một diễn đàn quốc phòng của Học viện Hải quân Mỹ, Tham mưu trưởng lực lượng Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson tuyên bố, Hải quân Mỹ hoàn toàn ủng hộ quan điểm lãnh đạo của Chính quyền Tổng thống Barack Obama trong việc chống lại hành động chiếm đóng các đảo, bãi đang tranh chấp và tiếp tục xây dựng đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.
Đô đốc John Richardson nói: “Đối với khu vực Biển Đông, tôi nghĩ rằng đây là một khu vực mà chúng ta (chỉ Mỹ) cần phải tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ cho việc thực thi các quy định, tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng để hành xử trong khu vực này”. Đô đốc John Richardson tiết lộ Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục chứng minh về quyền tự do hàng hải trên Biển Đông bằng cách tiến hành các đợt tuần tra phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo báo trên, không chỉ các quan chức Mỹ, một vấn đề liên quan tới tình hình Biển Đông khiến dư luận quan tâm là, mới đây Ấn Độ và Nhật Bản đã lần đầu tiên thể hiện sự nhất trí quan điểm trong vấn đề Biển Đông.
Tờ báo dẫn tin truyền thông Ấn Độ cho biết, nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, lần đầu tiên hai nước Ấn Độ và Nhật Bản đã đưa ra một tuyên bố rõ ràng về vấn đề Biển Đông, kêu gọi các nước hữu quan tránh những hành động đơn phương có thể dẫn tới tình hình căng thẳng tại khu vực Biển Đông. Bản tuyên bố cũng nêu rõ, hòa bình, ổn định tại khu vực Biển Đông là những yếu tố củng cố hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh của cả khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Điều khiến dư luận quan tâm là năm 2015, Ấn Độ và Nhật Bản từng ký kết hai văn kiện chung, nhưng cả hai văn kiện này không đề cập tới tình hình khu vực Biển Đông. Chính vì vậy, không ít các nhà phân tích cho rằng, hành động ngang nhiên lấp biển xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông đã khiến các nước trong và ngoài khu vực cảm nhận về nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang tại khu vực Biển Đông đang hiện hữu và yếu tố này đã khiến các nước đi đến sự nhất trí quan điểm cùng kiềm chế Trung Quốc. Rõ ràng, trong vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh đang dần rơi vào thế cô lập./.