Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Lễ hội đền Cửa Ông

Trải qua thời gian dài, lễ hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân địa phương và là điểm đến thu hút du khách.
Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Lễ hội đền Cửa Ông ảnh 1Toàn cảnh đền Cửa Ông từ trên cao. (Ảnh: Lâm Phan/Vietnam+)

Sau 2 năm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Lễ hội đền Cửa Ông - một lễ hội đặc sắc mang đậm hơi thở cuộc sống của người dân vùng biển Quảng Ninh, sẽ được tổ chức trở lại với quy mô lớn, từ ngày 27-30/8 (tức ngày 1-4/8 Âm lịch), tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả).

Tháng 11/2016, Lễ hội đền Cửa Ông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thần chủ đền Cửa Ông là Đức Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, được dân gian phong là Đức Ông Đông Hải Đại Vương, con trai thứ ba của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người có công lớn trong ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông vào thế kỷ thứ XIII.

[Infographics] Đền Cửa Ông - Ngôi đền độc đáo bậc nhất vùng Đông Bắc

Dự kiến, lễ hội mùa Thu năm nay sẽ có khoảng 300 đại biểu và 2.700 nhân dân và khách thập phương đến tham dự. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã được hoàn tất.

Trước đó, ngày 5/3 (tức mùng 3 tháng 2 Âm lịch), thành phố Cẩm Phả đã tổ chức Lễ hội đền Cửa Ông (lễ hội mùa Xuân). Để đảm bảo an toàn phòng dịch, Lễ hội năm nay chỉ có phần lễ không có phần hội.

Lý giải về việc có hai lễ hội đền Cửa Ông ở hai mùa, nhà nghiên cứu Băng Sơn, tác giả của cuốn "Lễ hội dân gian đền Cửa Ông," cho biết theo tục có câu "Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ" nên đền Cửa Ông có hai lễ hội kéo dài theo hai mùa là bởi lấy ngày giỗ của cha, tức Đức Thánh Trần và ngày giỗ mẹ là Thánh mẫu (mẫu nghi thiên hạ).

Do vậy, vào mùa Xuân, Lễ hội đền Cửa Ông kéo dài từ 30 tháng Chạp đến hết tháng Ba (Âm lịch) và vào mùa Thu, bắt đầu tổ chức từ ngày mùng Ba tháng Tám (Âm lịch).

Lễ hội mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian, truyền thống lịch sử.

Lễ hội nhằm tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông với chủ thần đền là Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng và các nhân thần là những dũng tướng tài ba thao lược thời nhà Trần.

Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc Việt Nam.

Lễ hội mùa Thu năm nay sẽ có hai phần là phần lễ và hội. Phần lễ sẽ có lễ xin mở hội đền từ 7-7 giờ 30 phút ngày 27/8 tại Đền Thượng.

Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Lễ hội đền Cửa Ông ảnh 2Khu di tích Đền Thượng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày 28/8, lễ dâng hương xin rước Đức Ông vi hành diễn ra từ 6-6 giờ 30 phút tại Đền Thượng.

Lễ hội chính là lễ rước kiệu Đức Ông và các nhân thần vi hành khu an ngự; Khai mạc lễ hội diễn ra từ 6 giờ 30 phút-8 giờ 30 phút. Buổi chiều cùng ngày diễn ra lễ tế từ 14-17 giờ 30 phút...

Phần hội sẽ có chương trình nghệ thuật với chủ đề "Về miền đất thiêng" do Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và các nghệ sỹ vùng mỏ biểu diễn từ 20-22 giờ ngày 28/8 và các trò chơi dân gian diễn ra từ 14 giờ ngày 28/8-29/8. Lễ rã hội diễn ra vào 17 giờ ngày 30/8 tại Đền thượng.

Thông qua các hoạt động của Lễ hội đền Cửa Ông nhằm tái hiện lịch sử, công lao to lớn của các bậc "khai quốc công thần," những người có công với dân, với nước; là dịp để mỗi người thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" và cầu mong cho dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, gia đình hạnh phúc; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lòng nhân ái và trách nhiệm công dân với quê hương, đất nước.

Đây cũng là dịp để giới thiệu và quảng bá những giá trị tiêu biểu, độc đáo của Di tích quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông, Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia của địa phương vùng biển Quảng Ninh và thực hiện kế hoạch mở cửa, phục hồi thu hút khách du lịch năm 2022. Đồng thời, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, vùng đất, con người Cẩm Phả "Hội tụ văn hóa thợ mở, lan tỏa tình người vùng than" với bạn bè trong nước và quốc tế.

Giá trị lịch sử của ngôi đền Cửa Ông còn được tăng lên bởi tại đây còn thờ cả gia thất Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các nhân thần là những dũng tướng tài ba thao lược thời nhà Trần như Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Khánh Dư, Đỗ Khắc Trung, Phạm Ngũ Lão, Lê Phụ Trần...

Hiện nay, đền Cửa Ông còn lưu giữ 34 pho tượng quý, có giá trị nghệ thuật cao, được chạm khắc công phu.

Trải qua thời gian dài, lễ hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân địa phương và là điểm đến thu hút du khách.

Những năm gần đây, đền Cửa Ông được quy hoạch, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cụ thể, từ năm 2017, thành phố Cẩm Phả đã triển khai và hoàn thành dự án mở rộng di tích đền Cửa Ông với quy mô 180.000m2, với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách cho công tác giải phóng mặt bằng và xã hội hóa xây dựng.

Dự án gồm các hạng mục: Tu bổ tôn tạo khu vực đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, thiết kế bậc thang khu vực sân lễ hội. Đồng thời, thực hiện di dời, xây dựng tượng đài Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, nhà bia ghi tên các liệt sỹ phường Cửa Ông và các hạng mục phụ trợ thuộc khu di tích đền Cửa Ông với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng.

Gần đây, vào năm 2020, Cẩm Phả mở rộng nâng cấp vườn hoa, cây xanh và làm đường mới lên tượng Đức ông Trần Quốc Tảng.

Việc tôn tạo, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử, cảnh quan thiên nhiên đền Cửa Ông giúp cho nơi đây càng thêm uy nghi, trang nghiêm và thân thiện, tạo nhiều ấn tượng trở thành điểm du lịch tâm linh đến đối du khách trong nước và quốc tế mỗi khi đến với Quảng Ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục