Bất động sản khu công nghiệp sẽ ra sao khi dịch COVID-19 lắng xuống?

Khi đại dịch lắng xuống, nhiều công ty đã chuẩn bị chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam nên nhu cầu đất khu công nghiệp tại Việt Nam sẽ có nhiều triển vọng.
Bất động sản khu công nghiệp sẽ ra sao khi dịch COVID-19 lắng xuống? ảnh 1Một góc Khu công nghiệp và Đô thị VSIP Bắc Ninh với đầy đủ hạ tầng cơ bản. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Theo Báo cáo cập nhật ngành bất động sản khu công nghiệp mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), trong ngắn hạn, những khó khăn hiện hữu trong đền bù và giải phóng mặt bằng gây nên sự thiếu hụt nguồn cung tổng quỹ đất có thể cho thuê của các Khu công nghiệp, dù vậy, SSI vẫn kỳ vọng ngành bất động sản khu công nghiệp sẽ tích cực trong dài hạn.

Khó khăn trong ngắn hạn

Do dịch COVID-19 bùng phát, các chuyến bay quốc tế đến và đi khỏi Việt Nam đã bị hạn chế đối với hầu hết các hoạt động kinh doanh và đi lại trong thời gian qua.

Điều này đã gây ra áp lực đáng kể ảnh hưởng đến việc xúc tiến đầu tư và tiến độ cho thuê các khu công nghiệp. Hầu hết các giao dịch thành công được ghi nhận trong năm nay đều đến từ những khách hàng đã hoàn tất thương thảo từ năm ngoái và trước khi dịch bệnh bùng phát.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam có 336 khu công nghiệp trên tổng diện tích là 97,8 nghìn ha; trong đó, 261 khu công nghiệp hiện đang hoạt động.

Tỷ lệ lấp đầy bình quân ở các khu công nghiệp đang hoạt động là 76% vào cuối 6 tháng đầu năm 2020.

Theo nghiên cứu của Công ty Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL Việt Nam), tại miền Bắc, các khu công nghiệp tập trung ở các tỉnh như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc, với tổng diện tích là 13.500ha.

[Kỳ vọng phục hồi thị trường từ phân khúc bất động sản công nghiệp]

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đang hoạt động ở miền Bắc là 75%, và giá cho thuê bình quân là từ 85-90 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nguồn cung đất khu công nghiệp cho thuê mới vẫn đang gặp vướng mắc về thủ tục đền bù và giải phóng mặt bằng.

Các khu công nghiệp ở miền Nam tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh như Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước và Long An, với tổng diện tích là 42.836ha.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ lấp đầy bình quân ở các khu công nghiệp đang hoạt động đạt 83%, và giá cho thuê đất đạt khoảng 105-115 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, các cổ phiếu khu công nghiệp đã niêm yết đạt tổng doanh thu là 21,4 nghìn tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận ròng đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp trụ cột trong nhóm bất động sản khu công nghiệp có kết quả kinh doanh giảm mạnh như Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp - CTCP (mã chứng khoán: BCM).

Trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu của BCM giảm 24% so với cùng kỳ đạt 2,5 nghìn tỷ đồng, do thiếu những hợp đồng thuê mới; trong đó, doanh thu từ bất động sản khu dân cư và khu công nghiệp giảm 49% so với cùng kỳ.

Lãi tiền gửi và cổ tức từ các công ty liên kết giảm cũng kéo theo lợi nhuận ròng giảm 52% YoY.

Tiếp đến là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán: KBC). Doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 của công ty giảm 54% so với cùng kỳ đạt 727,6 tỷ đồng do tiến độ bàn giao chậm ở cả khu công nghiệp và đất dân cư. Do đó, lợi nhuận ròng cũng giảm 55% so với cùng kỳ, đạt 55 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020.

Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán: ITA) trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu chỉ đạt 256 tỷ đồng, giảm 30,4% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu do doanh thu cho thuê đất giảm 47% so với cùng kỳ. Do đó, lợi nhuận ròng đạt 74,8 tỷ đồng, cũng giảm 47% so với cùng kỳ trong giai đoạn này.

Triển vọng trong dài hạn

Theo SSI, dịch COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và các doanh nghiệp bắt đầu khẩn trương đa dạng hóa hoạt động sản xuất.

Bất động sản khu công nghiệp sẽ ra sao khi dịch COVID-19 lắng xuống? ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Quá trình này đã bắt đầu diễn ra và đẩy mạnh trong những năm gần đây; trong đó, Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng này.

Trong năm 2020, khi đại dịch lắng xuống sẽ có nhu cầu lớn về khu công nghiệp đối với các công ty đã chuẩn bị chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Do đó, năm 2021, SSI kỳ vọng nhu cầu về đất khu công nghiệp sẽ tiếp tục có nhiều triển vọng.

Xu hướng chuyển dịch đáng kể cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đang diễn ra rất có thể sẽ được thúc đẩy mạnh hơn sau COVID-19.

Một số tập đoàn lớn đã lên kế hoạch chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam như Microsoft, Google, Panasonic, Sharp, Foxconn…

Chính sách khuyến khích đầu từ FDI cho các dự án của Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam cũng có thể tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng sản xuất sang Việt Nam như Shin-Etsu Chemical, HoYa Coporation, Matsuoka, Meiko Electronics, Yokowo, và Nikkiso… Hầu hết các công ty này đã có cơ sở sản xuất tại miền Bắc.

Theo SSI, các yếu tố hỗ trợ chính cho sự phát trển của các doanh nghiệp khu công nghiệp bao gồm Quy hoạch các khu công nghiệp mới của Chính phủ cho giai đoạn 2021-2025 có thể giúp tăng diện tích các khu công nghiệp mới trong tương lai, đặc biệt là đối với các khu công nghiệp lớn có tổng diện tích đất từ 1.000 ha trở lên, có thể đáp ứng nhu cầu về đất của các tập đoàn FDI lớn.

Việc cải thiện cơ sở hạ tầng như đường cao tốc Biên Hòa Vũng Tàu, cao tốc Dầu Dây Phan Thiết, cao tốc Bắc Nam, cảng Cái Mép Thị Vải, cảng Gemalink giúp kết nối thuận tiện hơn cho các khu công nghiệp.

Giá đất khu công nghiệp tại Việt Nam thấp hơn khoảng 30%-40% so với Indonesia và Thái Lan, đây có thể là một lợi thế thu hút FDI. Do đó, giá đất khu công nghiệp năm 2021 ước tính tiếp tục tăng 7-8% ở miền Nam và 5-6% ở miền Bắc.

Về triển vọng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2020, SSI cho rằng, do các chuyến bay quốc tế đi và đến Việt Nam bị giảm xuống mức rất thấp, đã có sự trì hoãn đáng kể trong thời gian qua liên quan đến việc chốt hợp đồng thuê với nhà đầu tư do sự tạm dừng các chuyến thăm quan thực địa và làm gián đoạn quá trình đàm phán.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 9, chính sách miễn trừ yêu cầu về kiểm dịch mới đối với các chuyên gia và nước ngoài và nhà đầu tư đã giúp giải tỏa phần nào tình trạng trên. Trước khi có quyết định miễn trừ, phần lớn hoạt động cho thuê khu công nghiệp của các chủ đầu tư đều rất khiếm tốn trong 6 tháng đầu năm 2020.

Mặc dù thông tin về việc miễn trừ mới là một tin đáng mừng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhưng tần suất các chuyến bay vẫn ở mức rất thấp và ước tính các chuyến bay tới Việt Nam chỉ đạt 5.000 chuyến trong tháng 9.

SSI tin rằng vấn đề này sẽ vẫn là một yếu tố kéo dài quyết định đàm phán và đầu tư đến ít nhất là 6 tháng cuối năm 2020, có thể dẫn đến diện tích thuê mới theo khu vực giảm 12% so với cùng kỳ.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 2 gần đây có thể đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến số lượt khách đến và đi tại Việt Nam với số liệu cụ thể vẫn chưa được công bố.

“Tuy nhiên việc dỡ bỏ chính sách giãn cách xã hội vào đầu tháng 9 khiến chúng tôi phần nào lạc quan hơn về tình hình,” SSI cho biết.

Tuy nhiên, SSI nhận định, một trong những điểm vẫn còn tồn tại là khó khăn hiện hữu trong đền bù và giải phóng mặt bằng vẫn gây nên sự thiếu hụt nguồn cung tổng quỹ đất có thể cho thuê của các khu công nghiệp.

SSI ước nguồn cung quỹ đất có thể tăng nhẹ 5% trong 6 tháng cuối năm 2020. Về mặt bằng giá đất khu công nghiệp, công ty chứng khoán này cũng ước tính giá thuê tăng 10% so với cùng kỳ ở miền Nam và trong khoảng 7-8% so với cùng kỳ ở miền Bắc trong 6 tháng cuối năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục