Bầu cử Indonesia: Hai ứng viên bước vào cuộc tranh luận lần thứ 4

Tại vòng tranh luận này, Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo và ứng viên Prabowo Subianto đã đưa ra quan điểm riêng và tranh luận về các vấn đề liên quan đến ý thức hệ, quản trị, quan hệ quốc tế...
Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo và ứng viên Prabowo Subianto. (Nguồn: tempo.co)
Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo và ứng viên Prabowo Subianto. (Nguồn: tempo.co)

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, tối 30/3 đã diễn ra cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ tư tại khách sạn Shangri-La ở Trung tâm Jakarta trong quá trình bầu cử tổng thống Indonesia trước khi bước vào cuộc bầu cử chính thức ngày 17/4 tới.

Sự kiện được phát sóng trực tiếp trên một số kênh truyền hình của Indonesia.

Ủy viên của Ủy ban bầu cử tổng hợp (KPU ), Wahyu Setiawan, cho biết, cuộc tranh luận được chia thành 5 phiên tương tự như cuộc tranh luận thứ ba. Tại mỗi phiên mỗi ứng cử viên sẽ có 4 phút.

Trong phiên đầu tiên, mỗi ứng viên đã phác thảo tầm nhìn và sứ mệnh của mình, sau đó trả lời các câu hỏi từ tham luận viên tại phiên thứ 2 và thứ 3. Cuối cùng là đặt câu hỏi cho nhau ở phiên thứ 4 và thứ 5.

Tại vòng tranh luận này, Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo và ứng viên Prabowo Subianto đã đưa ra quan điểm riêng và tranh luận về các vấn đề liên quan đến ý thức hệ, quản trị, quan hệ quốc tế và các vấn đề quốc phòng-an ninh.

Cuộc tranh luận đã cho thấy hai cách tiếp cận phân cực của quan điểm “ôn hòa” và “diều hâu” về phân khúc quan hệ quốc tế.

Ông Joko Widodo (Jokowi) đã nhấn mạnh năng lực của Indonesia trong việc hòa giải một số cuộc xung đột quốc tế và sức mạnh ngoại giao mềm của Indonesia trong một số cuộc đàm phán thương mại quốc tế; đồng thời tin tưởng mạnh mẽ vào khả năng của quân đội Indonesia (TNI) trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước.

Trong khi đó, Prabowo Subianto thể hiện quan điểm rằng khả năng phòng thủ của Indonesia còn yếu và cần tăng cường hơn nữa.

Ông Joko Widodo nhắc đến việc Indonesia đã được Liên hợp quốc yêu cầu giúp hồi hương người tị nạn Rohingya từ Cox's Bazaar sang bang Rakhine, trong khi, Prabowo nói rằng cách tiếp cận ngoại giao mềm, không đủ để bảo vệ lợi ích cốt lõi quốc gia của Indonesia.

[Ai nắm thế thượng phong trong cuộc tranh cử tổng thống Indonesia?]

Prabowo cho rằng: "Ngoại giao không thể chỉ được thực hiện bằng cách nói chuyện, nó phải được hỗ trợ bằng sức mạnh, nếu chúng ta không mạnh mẽ, chúng ta sẽ thua.”

Hai ứng cử viên cũng đưa ra các cách tiếp cận khác nhau nhằm tăng cường ngoại giao Indonesia. Jokowi nói rằng Indonesia có tiềm năng lớn khi là quốc gia có số dân Hồi giáo lớn nhất thế giới tham gia vào tiến trình hòa bình ở một số khu vực xung đột cũng như tăng giá trị thương mại bằng cách sử dụng ngoại giao kinh tế.

Trong khi đó, Prabowo đưa ra quan điểm cho rằng hệ thống an ninh và quốc phòng của Indonesia còn yếu do hạn chế về ngân sách; ông muốn tăng các thiết bị quân sự cho cơ chế phòng thủ phòng ngừa, để đạt sức mạnh như các nước láng giềng, trong đó có Singapore.

Bầu cử Indonesia: Hai ứng viên bước vào cuộc tranh luận lần thứ 4 ảnh 1Tổng thống Indonesia Joko Widodo (thứ 2 phải) tham gia một điệu nhảy tập thể trên đường phố ở Jakarta ngày 5/8/2018, nhằm quảng bá cho Đại hội Thể thao châu Á 2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trả lời câu hỏi của đối thủ về vấn đề này, Jokowi thừa nhận rằng chính quyền của ông hiện đang ưu tiên nhiều hơn cho sự phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia và ngân sách quốc phòng của Indonesia nhỏ hơn ngân sách của nhiều quốc gia khác.

Jokowi cũng lập luận rằng, trong tương lai gần, đất nước phải tập trung hơn vào việc đối phó với các thách thức an ninh nội bộ, đặc biệt là xung đột.

Trong phần xây dựng tầm nhìn và sứ mệnh của mình, ông Jokowi tuyên bố Indonesia phải duy trì các nguyên tắc của chính sách đối ngoại độc lập và tích cực giữa những bất ổn toàn cầu hiện nay.

Độc lập là để thực hiện chính sách liên quan đến lợi ích quốc gia, nhưng đồng thời, tích cực đóng góp cho hòa bình thế giới. Chính sách độc lập và chủ động của Indonesia không phải là một chính sách trung lập, nhưng nó là một chính sách không gắn kết Indonesia với các siêu cường cũng như không ràng buộc nước này với bất kỳ hiệp ước quân sự nào.

Về cơ bản, đây là một chính sách được thiết kế để phục vụ lợi ích quốc gia, đồng thời, cho phép Indonesia hợp tác với các quốc gia khác để xóa bỏ chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc dưới mọi hình thức và biểu hiện vì hòa bình thế giới và công bằng xã hội.

Trong khi đó, ứng cử viên Probowo Subianto đã cam kết duy trì quan hệ đối ngoại tốt đẹp của Indonesia với tất cả các nước trên thế giới với nguyên tắc: “Một nghìn bạn bè là quá ít, một kẻ thù là quá nhiều.”

Ông Probowo cam kết nếu trúng cử Tổng thống Indonesia sẽ thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa Indonesia và các quốc gia khác theo nguyên tắc cùng có lợi trong khi tiếp tục ưu tiên lợi ích của người dân.

Ông Prabowo Subianto cũng nhắc lại cam kết của mình trong việc duy trì hệ tư tưởng nhà nước Pancasila, thống nhất quốc gia trong sự đa dạng, duy trì nhà nước thống nhất và Hiến pháp năm 1945. Ông cũng nói sẽ tăng cường năng lực chính quyền và xóa bỏ tham nhũng nếu trúng cử.

Bên cạnh việc tổ chức các cuộc tranh luận trực tiếp, KPU cũng cho phép hai cặp ứng cử viên Tổng thống tiến hành các chiến dịch vận động mở từ 24/3 đến 13/4. Các thông tin từ các vòng tranh luận và các chiến dịch vận động mở của hai cặp ứng cử viên, cử tri Indonesia sẽ có lựa chọn hợp lý cho mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục