Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022

Về cơ bản việc tuyển sinh vẫn giữ ổn định như các năm trước nhưng có điều chỉnh theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các bước triển khai.
Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 ảnh 1Thí sinh dự thi đánh giá năng lực. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, áp dụng từ mùa tuyển sinh năm 2022.

Theo đó, về cơ bản, việc tuyển sinh vẫn giữ ổn định như các năm trước nhưng có điều chỉnh theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các bước triển khai.

Cụ thể, tất cả các thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và trên Cổng dịch vụ công quốc gia với tất cả các phương thức xét tuyển vào tất cả các trường. Các nguyện vọng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng phần mềm lọc ảo chung để hạn chế tình trạng một thí sinh trúng tuyển nhiều trường.

[Biến động tuyển sinh đại học 2022: Thêm cơ hội, tăng áp lực]

Với các trường tổ chức xét tuyển sớm, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu cơ sở đào tạo thực hiện quy trình xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung. Điều này nhằm khắc phục tình trạng các năm trước đây, một số trường bắt thí sinh xác nhận nhập học sớm trong khi các em muốn chờ kết quả xét tuyển từ các trường khác.

Cũng theo dự thảo, các trường không sử dụng quá 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành, một chương trình đào tạo (trừ trường hợp các tổ hợp môn chỉ khác nhau ở môn ngoại ngữ). Đối với một ngành, chương trình đào tạo có chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp xét tuyển thì việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ hợp lý, không gây mất công bằng cho các thí sinh chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau; việc bổ sung phương thức, tổ hợp xét tuyển mới phải có căn cứ và lộ trình hợp lý, không làm chỉ tiêu của phương thức, tổ hợp sử dụng trong năm trước giảm quá 30% chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo.

Thông tin chi tiết về dự thảo Quy chế xem tại đây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục