Bộ TN-MT: Đảm bảo an ninh nguồn nước là vấn đề cấp bách

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã kiến nghị đưa việc đảm bảo an ninh nguồn nước là một lĩnh vực an ninh phi truyền thống trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch toàn khóa XIII.
Bộ TN-MT: Đảm bảo an ninh nguồn nước là vấn đề cấp bách ảnh 1Dung tích hồ thủy điện Sông Hinh sẵn sàng tham gia cắt lũ. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Trước thực trạng nguồn nước bị nhiễm phèn không trồng được lúa, thủy điện ngăn dòng khiến hạ du “khát nước,” cử tri một số tỉnh đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu đảm bảo nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, nguồn nước ngầm, nước mặt cho sinh hoạt; quản lý an toàn các hồ đập, cân đối nguồn vốn để sửa chữa, cải tạo các hồ đập; xem xét kỹ việc thực hiện dự án thủy điện ở Kon Tum...

Nhìn nhận thực tế nêu trên, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định trong những năm gần đây tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước xả ra thường xuyên hơn, không chỉ xảy ra vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên, vùng duyên hải miền Trung mà còn ở các vùng đồng bằng, điển hình như Thái Bình...

Để đảm bảo an ninh nguồn nước - loại an ninh đặc biệt, có tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước, vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị đưa việc đảm bảo an ninh nguồn nước là một lĩnh vực an ninh phi truyền thống trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch toàn khóa XIII cũng như trong các văn kiện Đại hội của các địa phương.

Trong thời gian tới, Bộ này sẽ tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng, Cửu Long và các lưu vực sông lớn để làm cơ sở cho các quy hoạch có khai thác, sử dụng nước. Việc này nhằm cân bằng các nguồn nước, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước nước một cách hợp lý theo không gian, thời gian; đặc biệt là quy định các phương án phân bổ nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với vùng nhằm tăng cường trữ nước, điều tiết nguồn nước để bảo đảm nâng cao hiệu quả khai thác nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thiện các chính sách nhằm thu hút đầu tư các công trình trữ nước, điều tiết nước có hiệu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây ra các vấn đề lũ lụt, hạn hán thiếu nước nghiêm trọng như hiện nay.

Đối với công trình thủy điện Thượng Kon Tum xây dựng trên sông Đăk Snghé, chuyển nước phát điện sang sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu việc vận hành của công trình phải tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa chứa trên lưu vực sông Sê San đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 13/2/2018; tuân thủ quy định Quy trình vận hành đơn hồ do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

[Tăng cường hợp tác, đảm bảo an ninh nguồn nước ở lưu vực sông Mekong]

Nước sau phát điện của thủy điện Thượng Kon Tum sẽ được chuyển sang sông Trà Khúc tại Quảng Ngãi, làm gia tăng đáng kể lượng nước, bổ sung nước để cấp cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt tỉnh Quảng Ngãi.

Về quản lý an toàn hồ đập, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng báo cáo kết quả giám sát về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập.” Trong đó đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng Đề án bảo đảm An ninh nguồn nước và An toàn hồ đập giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, trên cơ sở đó xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về đảm bảo An ninh nguồn nước và An toàn hồ đập./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục