Bộ Xây dựng: Việc di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô còn chậm

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, việc triển khai di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội theo quy hoạch còn chậm do đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn.
Bộ Xây dựng: Việc di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô còn chậm ảnh 1Một góc thành phố Hà Nội. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Thực hiện nhiệm vụ giám sát việc tổ chức thực hiện di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội theo quy hoạch, Bộ Xây dựng đã có văn bản, nhiều lần đôn đốc các bộ, ngành trung ương và thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, hiện việc di dời triển khai còn chậm do đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn. Nguồn vốn thực hiện di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng (cơ chế chính sách, sử dụng quỹ đất sau khi di dời, hình thức huy động nguồn lực, phối hợp các cơ quan liên quan).

Các bộ, ngành và thành phố Hà Nội chưa triển khai đúng tiến độ việc lập quy hoạch và xây dựng các đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (về danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời).

Từ ngày 26/4/2022, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 1445/BXD-QHKT gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 130/QĐ-TTg. Hiện Văn phòng Chính phủ đang tổ chức lấy ý kiến các bộ liên quan về ý kiến của Bộ Xây dựng tại Văn bản số 1445/BXD-QHKT.

Tại Văn bản số 1445/BXD-QHKT, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và Thành phố Hà Nội thúc đẩy tiến độ lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, xác định danh mục cơ sở cần phải di dời, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 130/QĐ-TTg.

Các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thủ đô theo hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; lập danh mục, xây dựng biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Bộ Tài chính tăng cường phối hợp với các bộ ngành, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng Thủ đô xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời, đảm bảo phù hợp với mục tiêu của Quyết định số 130/QĐ-TTg, quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.

[Infographics] Phương án được chọn để di dời trụ sở bộ, ngành ở Hà Nội

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương triển khai thực hiện rà soát, lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 383/TTg-CN ngày 26/3/2021; lập quy hoạch phân khu đô thị, xác định việc sử dụng quỹ đất phù hợp, hiệu quả, tuân thủ định hướng Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội, quy hoạch vùng có liên quan; đáp ứng nhu cầu của người dân, đảm bảo các yêu cầu về không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo vệ và phát huy công trình kiến trúc có giá trị.

Bộ Xây dựng cho biết Quyết định số 130/QĐ-TTg cũng đã xác định nguyên tắc sử dụng quỹ đất của các trụ sở sau khi di dời. Cụ thể, ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất tải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.

Bên cạnh đó, tổ chức đấu giá công khai theo quy định để tạo kinh phí tái đầu tư cho di dời. Các công trình xây dựng có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc cần được thực hiện bảo tồn, phục chế tôn tạo theo quy định của Luật Di sản văn hóa, ưu tiên sử dụng cho mục đích công cộng.

Bộ Xây dựng đã thực hiện rà soát 36 cơ quan Trung ương thuộc đối tượng quy hoạch (18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan đoàn thể Trung ương) để xây dựng các phương án quy hoạch cụ thể. Chính phủ đã đồng ý chủ trương bố trí hệ thống trụ sở Bộ, ngành theo đề xuất của Bộ Xây dựng; trong đó, chỉ đạo tập trung phát triển tại Khu Tây Hồ Tây (khoảng 35ha) và một phần tại khu vực Mễ Trì.

Phương án di dời gồm 2 nhóm. Nhóm cơ quan đã xây dựng trụ sở tại vị trí mới và cải tạo chỉnh trang tại chỗ: bao gồm 23 cơ quan, trong đó 8 cơ quan đã được bố trí quỹ đất và thực hiện đầu tư xây mới (Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Hội Nông dân là 7 cơ quan đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cùng 1 cơ quan là Bộ Ngoại giao đang hoàn thiện) và 15 cơ quan thực hiện cải tạo tại chỗ (Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam).

Nhóm cơ quan đề xuất di dời gồm 13 cơ quan gồm: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng (các cơ quan này đã đề xuất xây dựng trụ sở mới tại khu vực quy hoạch xây dựng các trụ sở bộ ngành); Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Thực hiện di dời theo Quy hoạch chi tiết trung tâm Ba Đình được phê duyệt).

Bộ Xây dựng: Việc di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô còn chậm ảnh 2Trụ sở Bộ Xây dựng.

Căn cứ Quyết định số 658/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại thủ đô Hà Nội đến năm 2030, Bộ Xây dựng được giao tổ chức Cuộc thi ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở làm việc của các bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây làm cơ sở lập, hoàn thiện đồ án quy hoạch hệ thống trụ sở bộ, ngành.

Đến nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành tổ chức cuộc thi này và trên cơ sở kết quả thi tuyển đang chỉ đạo hoàn thiện Đồ án Quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ ngành Trung ương, làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt; có Văn bản gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan có liên quan về Đồ án Quy hoạch Khu trụ sở bộ, ngành tại Tây Hồ Tây và Mễ Trì, Hà Nội.

Tính đến ngày 16/9/2022, Bộ Xây dựng đã nhận đủ văn bản góp ý trong đó đa số đồng thuận với các nội dung chính của Đồ án; một số cơ quan bổ sung, làm rõ nhu cầu sử dụng trong tương lai. Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Đồ án đã được chỉnh sửa, bổ sung các nội dung phù hợp.

Hiện Bộ Xây dựng đang triển khai lấy thêm ý kiến cộng đồng dân cư tại các khu đất thuộc phạm vi ranh giới nghiên cứu lập đồ án Quy hoạch (phường Mễ Trì và Trung Văn quận Nam Từ Liêm; phường Xuân La quận Tây Hồ, phường Xuân Tảo quận Bắc Từ Liêm).

Phần việc này dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11/2022, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục