Boeing tìm cách gây áp lực lên Quốc hội Mỹ về vụ Ex-Im Bank

Boeing cân nhắc chuyển một số hoạt động của hãng sang những quốc gia có chính sách hỗ trợ xuất nhập khẩu, một hành động gây áp lực lên Quốc hội Mỹ xung quanh việc gia hạn hoạt động của Ex-Im Bank.
Boeing tìm cách gây áp lực lên Quốc hội Mỹ về vụ Ex-Im Bank ảnh 1Chủ tịch tập đoàn Boeing, ông Jim McNerney. (Nguồn: Reuters)

Trong một bước đi nhằm gây áp lực với việc Quốc hội Mỹ kéo dài cuộc tranh cãi xung quanh việc gia hạn hoạt động của Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Mỹ (Ex-Im Bank), ngày 29/7 lãnh đạo của Boeing Company cho biết hãng này đang cân nhắc chuyển các bộ phận chủ yếu của hãng ra nước ngoài.

Chủ tịch tập đoàn Boeing, ông Jim McNerney cho biết do cuộc tranh cãi kéo dài tại Quốc hội Mỹ về tương lai của Ex-Im Bank, Boeing buộc phải cân nhắc tới việc chuyển một số hoạt động chủ yếu của hãng sang những quốc gia có chính sách hỗ trợ xuất nhập khẩu.

Ông McNerney cho rằng phương án này mới trong giai đoạn cân nhắc ban đầu vì lo ngại Quốc hội Mỹ tiếp tục trì hoãn việc bỏ phiếu về Ex-Im Bank, một tổ chức hỗ trợ xuất nhập khẩu của liên bang đã hết ngân sách hoạt động từ ngày 30/6 vừa qua.

Mối lo của Boeing càng lớn khi ngày 27/7 Hạ nghị sỹ Kevin, nhân vật có quyền lực thứ hai của đảng Cộng hòa tại Hạ viện, tuyên bố sẽ tìm mọi cách ngăn chặn dự luật 350 tỷ USD trong 6 năm dành cho các dự án giao thông cộng cộng mà đi kèm với đó là một dự luật gia hạn hoạt động của Ex-Im Bank.

Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần kêu gọi Quốc hội gia hạn hoạt động của Ex-Im Bank.

Tuy nhiên, nhiều nhà lập pháp Mỹ muốn đóng cửa cơ quan liên bang này với lý do Ex-Im Bank chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp lớn thay vì mục tiêu đặt ra là giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số nghị sỹ thậm chí còn nghi ngờ về mối quan hệ giữa Ex-Im Bank với các cuộc bầu cử.

Một bằng chứng được đưa ra là trong khoản ngân sách được cấp 20,5 tỷ USD trong tài khóa 2014, Ex-Im Bank chỉ chi 5 tỷ USD hỗ trợ xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ, số còn lại là cho các tập đoàn lớn.

Được thành lập từ năm 1934, Ex-Im Bank trở thành một cơ quan liên bang độc lập.

Trên nguyên tắc, Ex-Im Bank được thành lập để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của các doanh vừa và nhỏ của Mỹ, thông qua việc cấp tín dụng cho các công ty nhập khẩu của nước ngoài để tạo điều kiện cho họ nhập khẩu hàng hóa của Mỹ.

Tuy nhiên, trên thực tế trong nhiều năm qua, chỉ có khoảng 20% tín dụng của Ex-Im Bank giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi 80% còn lại là đổ vào giúp các đại công ty và các tập đoàn như Boeing, General Electric (GE) và Dow Chemical./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục