Brexit: Anh khẳng định không chi trả cho việc tiếp cận thị trường EU

Khi được hỏi liệu Anh có phải chi tiền để ở lại liên minh thuế quan với EU hay không, Thủ tướng May nhấn mạnh nước này đã kết thúc những ngày chuyển các khoản thanh toán lớn cho EU.
Brexit: Anh khẳng định không chi trả cho việc tiếp cận thị trường EU ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May (trái, phía trước). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 15/5, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố nước này sẽ không chi tiền để được tiếp cận thị trường Liên minh châu Âu (EU) sau khi Anh rời khỏi khối, hay còn gọi là Brexit.

Khi được nghị sỹ đảng Bảo thủ Nigel Evans hỏi liệu Anh có phải chi tiền để ở lại liên minh thuế quan với EU hay không, Thủ tướng May nhấn mạnh: "Khi rời EU, chúng ta sẽ chấm dứt sự đi lại tự do, khôi phục toàn quyền kiểm soát đối với chính sách nhập cư của chúng ta, mở ra cơ hội giao dịch mới trên toàn thế giới và kết thúc những ngày chuyển các khoản thanh toán lớn cho EU. Chúng ta sẽ không trả tiền để tiếp cận thị trường EU."

[Brexit sẽ tác động tới các bầu cử của Liên minh châu Âu như thế nào?]

Trong khi đó, một người phát ngôn của Công đảng đối lập tuyên bố đảng này không thể ủng hộ một dự luật giúp thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May được thông qua nếu không đạt được một thỏa thuận mang tính thỏa hiệp với chính phủ.

Dự kiến, các nghị sỹ Anh sẽ lại tiến hành bỏ phiếu đối với thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May trong tuần đầu tiên của tháng Sáu tới, cùng thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump có chuyến thăm Anh.

Thỏa thuận này từng bị bác bỏ 3 lần tại Quốc hội Anh, buộc bà phải xin gia hạn Brexit hai lần và hạn chót là ngày 31/10 tới Anh sẽ phải chính thức rời EU.

Người phát ngôn của Thủ tướng May đã từ chối bình luận về khả năng nữ chính khách này phải từ chức nếu văn kiện trên tiếp tục gặp thất bại, song nhấn mạnh bà May đang tập trung nỗ lực để thỏa thuận Brexit được thông qua.

Tháng trước, bà May quyết định tổ chức đàm phán với Công đảng đối lập với hy vọng tìm ra lối thoát cho những bế tắc hiện tại song chưa đạt kết quả do phía Công đảng đặt điều kiện tiên quyết là chỉ ủng hộ giải pháp Brexit của chính phủ một khi chấp nhận việc nước Anh tiếp tục tham gia liên minh thuế quan với EU.

Trong khi đó, đây được coi là giới hạn đỏ với Thủ tướng May, bởi sau khi rời khỏi EU, Chính phủ Anh muốn được tự do ký kết các hiệp định thương mại với nhiều đối tác trên thế giới, điều không thể thực hiện nếu Anh tiếp tục ở lại trong liên minh thuế quan.

Đây chính là một trở ngại rất lớn với mục tiêu kể trên. Chính lãnh đạo Công đảng cũng luôn hoài nghi về khả năng Thủ tướng May có thể vận động nội bộ đảng Bảo thủ ủng hộ bất kỳ thỏa hiệp nào mà hai bên đạt được sau đàm phán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục