Các địa phương chủ động xử lý linh hoạt trong phòng, chống COVID-19

Tính từ 17 giờ ngày 18/9 đến 17 giờ ngày 19/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.040 mắc mới, trong đó 15 ca nhập cảnh; 10.025 ca ghi nhận trong nước.
Các địa phương chủ động xử lý linh hoạt trong phòng, chống COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân quận Hoàn Kiếm. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 17 giờ ngày 18/9 đến 17 giờ ngày 19/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.040 mắc mới, trong đó 15 ca nhập cảnh; 10.025 ca ghi nhận trong nước.

Trong số ca mắc trên, Thành phố Hồ Chí Minh (5.496 ca); Bình Dương (2.332 ca); Đồng Nai (953 ca); An Giang (287 ca); Long An (249 ca); Kiên Giang (151 ca); Tiền Giang (102 ca)...; trong đó có 5.894 ca trong cộng đồng.

Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 687.063 ca mắc; trong đó 457.505 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 17.090 bệnh nhân đã tử vong do liên quan đến COVID-19.

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.396 ca, trong đó, thở ôxy qua mặt nạ 3.443 ca; thở ôxy dòng cao HFNC 931 ca; thở máy không xâm lấn 202 ca; thở máy xâm lấn 788 ca; ECMO 32 ca.

Phó Chủ tịch nước trao quà hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại An Giang

Sáng 19/9, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Đoàn công tác đã tới thăm, động viên và trao quà hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh An Giang.

Theo báo cáo nhanh, tính từ ngày 15/4 đến 16 giờ ngày 18/9, toàn tỉnh An Giang có 3.608 trường hợp mắc COVID-19 (có 10 trường hợp tái dương tính). Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch tại An Giang đã được đưa lên mức độ cao nhất, với những biện pháp quyết liệt, phù hợp.

Tỉnh An Giang đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 15/7/2021, đến nay đang thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với các biện pháp tăng cường.

Toàn tỉnh vẫn còn một vài xã áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 được siết chặt hơn, nên cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao quà ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho tỉnh An Giang với tổng giá trị gần 14 tỷ đồng.

Trong số đó, Văn phòng Chủ tịch nước và cá nhân Phó Chủ tịch nước ủng hộ 5.000 bộ kit test nhanh COVID-19 và 5 căn nhà tình nghĩa; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ 500 triệu đồng; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ  túi "An sinh Công đoàn" cho công nhân lao động tỉnh An Giang trị giá 4 tỷ đồng; Tập đoàn T&T hỗ trợ 30.000 bộ kit test nhanh COVID-19.

[Phó Chủ tịch nước trao quà hỗ trợ tỉnh An Giang chống dịch COVID-19]

Trong đợt công tác này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến thăm, động viên và trao quà hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Tây Ninh và thành phố Cần Thơ với tổng số tiền trị giá gần 35 tỷ đồng. 

Bảo đảm an toàn tại các chợ đầu mối

Bộ Y tế vừa có Công văn số 7770/BYT-MT gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và Bộ Công Thương về việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 ở chợ đầu mối hoạt động tại các địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại công văn do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành, Bộ Y tế hướng dẫn Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tùy theo tình hình thực tế tại địa phương, có kế hoạch/phương án phòng, chống dịch COVID-19 cho chợ.

Theo công văn, các tỉnh, thành phố tổ chức mua hàng tại chợ theo quy định một chiều (chiều vào, chiều ra khác nhau); đôn đốc các chợ đánh giá an toàn COVID-19 và cập nhật lên hệ thống antoancovid.vn; xét nghiệm COVID-19 bằng test nhanh kháng nguyên cho người quản lý, làm việc, bán hàng tại chợ hàng tuần; xem xét áp dụng việc hướng dẫn cho các đối tượng tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên tại điểm xét nghiệm.

Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến cho người dân về các quy định phòng, chống dịch khi đến và mua bán tại các chợ; chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch tại các chợ trên địa bàn; dừng hoạt động ngay đối với những chợ không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định.

Hướng dẫn của Bộ Y tế đã phân rõ với Quản lý chợ; hộ kinh doanh; khách hàng; người lao động tại chợ cần phải làm những việc cụ thể để phòng, chống dịch.

Bộ Y tế nhấn mạnh các địa phương có thể điều chỉnh thực hiện nội dung của hướng dẫn cho phù hợp với thực tiễn.

Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công Thương chủ trì và phối hợp với Bộ Y tế tổ chức phổ biến, tập huấn Hướng dẫn cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đôn đốc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh yêu cầu các chợ đánh giá an toàn COVID và cập nhật lên hệ thống antoancovid.vn; tổ chức truyền thông về các quy định phòng, chống dịch; phối hợp với Bộ Y tế để chỉnh sửa, bổ sung Hướng dẫn khi cần thiết.

Đề xuất thí điểm "Thẻ xanh COVID-19" trong giai đoạn phục hồi kinh tế

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố về việc triển khai thí điểm áp dụng "Thẻ xanh COVID-19" trong giai đoạn phục hồi kinh tế trên địa bàn.

Các địa phương chủ động xử lý linh hoạt trong phòng, chống COVID-19 ảnh 2Các y bác sỹ bệnh viện Ung Bứu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân viên chức lao động Tp. Hồ Chí Minh tại điểm trường THCS Lê Lợi, Quận 3. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Về điều kiện được cấp thẻ xanh, Sở Y tế đề xuất chỉ cần tiêm 1 mũi vaccine được 2 tuần hoặc F0 có giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã thị trấn cấp. Tuy nhiên, người có "Thẻ xanh COVID-19" không đồng nghĩa với xác nhận sẽ không lây nhiễm virus cho người khác, do vậy phải tuân thủ Thông điệp 5K của Bộ Y tế và làm xét nghiệm theo quy định.

Về hình thức, Sở Y tế kiến nghị chỉ dùng một thuật ngữ là "Thẻ xanh COVID-19" và thống nhất với Sở Thông tin và Truyền thông tích hợp trên ứng dụng Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khai báo đã tiêm vaccine, cùng với tích hợp kết quả xét nghiệm và khai báo y tế. Trên ứng dụng thể hiện rõ đã tiêm 1 mũi hay 2 mũi. Khởi đầu, sẽ triển khai thí điểm trên địa bàn quận 7 để đánh giá tính hiệu quả trước khi nhân rộng.

Trước đó, dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đã hướng dẫn người dân cách xác định từng mắc COVID-19 đã khỏi bệnh để đủ điều kiện được cấp "Thẻ xanh COVID-19."

Chủ động phương án phòng, chống dịch sau 21/9

Chiều 19/9, chủ trì giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy công tác phòng, chống COVID-19 của thành phố với Sở Chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch COVID -19 đề nghị các quận, huyện, thị xã chủ động các phương án phòng, chống dịch sau ngày 21/9.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, dự kiến sau 21/9, thành phố Hà Nội sẽ không chia 3 phân vùng nữa, nơi nào nguy cơ rất cao, có ca F0 sẽ trở thành "điểm đỏ" khoanh vùng với quy mô hẹp. "Điểm đỏ" áp dụng theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, khu vực xuất hiện F0 và các gia đình lân cạnh phải phong tỏa, cách ly y tế.

Khu vực lân cận là "vùng vàng," còn lại là xanh. Việc kiểm soát dịch được thực hiện theo tinh thần thu hẹp tối đa "vùng đỏ." Bên cạnh việc nới lỏng, thành phố tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát tại cửa ngõ Thủ đô. Hà Nội sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để làm việc với các tỉnh, thành phố lân cận về việc phối hợp quản lý người ra, vào thành phố.

Từ 24/7, trong đợt đầu Hà Nội giãn cách xã hội để phòng dịch, trung bình nghi nhận có trên 71 ca mắc mới/ngày, đến đợt giãn cách thứ 4 chỉ còn trung bình 25-27 ca/ngày. Đến nay, 93% tổng số người dân từ 19 tuổi trở lên được tiêm vaccine mũi 1; gần 70% toàn dân số thành phố đã được tiêm vaccine ít nhất 1 mũi.

Trong chiến dịch vừa qua, thành phố đã xét nghiệm diện rộng trên 4 triệu người để bóc tách F0 khỏi cộng đồng, tỷ lệ ca mắc ngoài cộng đồng đã giảm từ 50% xuống còn 10%. Sau đó, thành phố tập trung xét nghiệm cho nguy cơ rất cao, xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, còn các vùng khác xử lý linh hoạt.

Từ các mốc thời gian của từng loại vaccine, thành phố sẽ tiếp tục triển khai, đảm bảo sẽ tiêm vaccine mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2021. Đây là điều kiện quan trọng để thực hiện "mục tiêu kép"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục