Trước diễn biến phức tạp của bão số 5, các lực lượng chức năng và người dân tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là cư dân ven biển thành phố Đồng Hới và các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy… đã chủ động, khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống bão.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, người dân sống dọc theo bãi biển khu vực biển phường Hải Thành và các xã Bảo Ninh, Quang Phú (thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đã chủ động chặt tỉa, chằng chống cây xanh, gia cố nhà cửa, di dời đồ đạc và các tài sản quan trọng đến nơi cao ráo, an toàn.
Các nhà hàng, khách sạn kinh doanh dịch vụ du lịch khẩn trương dọn dẹp hàng quán, tiến hành tháo dỡ các bảng, biển quảng cáo để đảm bảo an toàn.
Anh Trần Quang Sơn (phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết Quảng Bình nhiều năm liên tiếp đều bị ảnh hưởng của các cơn bão, nhất là thời điểm từ tháng 8 đến tháng 12 hằng năm.
Khi nghe thông tin cơn bão số 5 đang tiến sát vào đất liền và ảnh hưởng trực tiếp từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, gia đình anh đã tập trung dọn dẹp hàng quán, gỡ bảng hiệu và tháo dây điện chiếu sáng ngoài trời tại quán ăn để đảm bảo an toàn.
Chia sẻ về kinh nghiệm ứng phó với mưa bão, ông Nguyễn Trung Dũng (phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) cho hay, gia đình đã chủ động mua bao tải và cát, đóng thành từng bao để chèn lên mái nhà và mái lợp sân nhằm tránh gió bão thổi bay.
Ngoài ra, gia đình ông Dũng luôn đề phòng trường hợp mất điện và chuẩn bị nến để thắp và dự trữ một số lương thực, thực phẩm để dùng khi cần thiết.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng chống bão tại các địa phương, khu neo đậu tàu thuyền và khu nuôi trồng thủy sản trong tỉnh như tại Khu neo đậu tránh bão tàu cá Cửa Gianh (huyện Bố Trạch); Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Roòn (huyện Quảng Trạch); Cảng Hòn La (huyện Quảng Trạch); công trình Dự án Hệ thống Thủy lợi Rào Nan (thị xã Ba Đồn)...
Tại các nơi đến kiểm tra, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Phong đánh giá cao công tác chủ động phòng, chống bão của địa phương, đơn vị và người dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đơn vị, địa phương không được chủ quan trong công tác ứng phó, nhất là giám sát việc chấp hành neo đậu của tàu thuyền, hướng dẫn neo đậu tại bến, gia cố bảo đảm an toàn, tuyệt đối không được để người và phương tiện ở lại trên phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản.
Các địa phương, đơn vị liên quan cần chủ động phương án ứng cứu, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản do ảnh hưởng của mưa bão.
Riêng đối với công trình Dự án Hệ thống Thủy lợi Rào Nan đang thi công, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân yêu cầu các đơn vị cần giữ gìn, bảo quản tốt hệ thống cơ sở vật chất, huy động lực lượng ứng trực tại công trình...
Để chủ động ứng phó với bão số 5, các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, đoàn thanh niên… được huy động hỗ trợ người dân nhanh chóng triển khai công tác phòng chống bão. Trong đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã chủ động phối hợp với các địa phương triển khai các phương án ứng phó.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã điều động nhân lực, phương tiện về thường trực tại các địa bàn trọng điểm thực hiện nhiệm vụ; duy trì 100 % quân số để hỗ trợ nhân dân phòng chống bão số 5 và tích cực kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào tránh trú bão.
Trước đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình đã ban hành công điện chỉ đạo các sở, ngành, địa phương về công tác chủ động phòng chống bão; thông tin đến các địa phương nắm được diễn biến của bão số 5.
Các địa phương và lực lượng chức năng trong tỉnh tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, phương tiện, hướng dẫn di chuyển thoát ra và không đi vào nơi nguy hiểm, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ tàu; hướng dẫn gia cố, thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản...
Để chủ động đối phó và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân do bão, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương, đơn vị, sở, ban, ngành liên quan và người dân cần thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống bão theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, không chủ quan, sẵn sàng, chủ động các phương án nhằm ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai xảy ra.
Trong khi đó tại Đà Nẵng, hơn 72.000 người dân có nhà ở không kiên cố, sống gần ven biển có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng cao được lực lượng chức năng vận động di tản đến nơi an toàn.
Phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) đã bố trí 6 điểm sơ tán tại Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, Trường Trung học cơ sở Hoàng Sa, Trường tiểu học Trần Quốc Toản, Nhà chống bão đa năng Lộc Phước 1, Thư viện thân thiện với trẻ Song Gan, Trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh.
Những địa điểm này đều có lực lượng dân quân tự vệ, công an, bảo vệ dân phòng trực chốt, đảm bảo an toàn. Ngoài ra, tổ chức năng được phân công vận động từng hộ gia đình người dân đến điểm sơ tản kịp thời trong đêm.
Công an phường Thọ Quang đã phối hợp với các đơn vị, địa phương vận động người dân có nhà không kiên cố sơ tán trong đêm nay đến những địa điểm trú ẩn tại địa phương để tránh bão, đồng thời giúp đỡ người dân trong việc gia cố nhà cửa.
Bí thư Chi bộ Lộc Phước 1 (phường Thọ Quang), ông Trần Ngọc Trung cho biết trước tình hình phức tạp của bão số 5, lực lượng chức năng tại địa phương đã nhanh chóng triển khai tuyên truyền, vận động người dân ở vùng gần biển, neo đậu tàu thuyền tránh trú bão an toàn.
Tại phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), công tác di dời người dân được thực hiện khẩn trương. Những hộ gia đình có nguy cơ thiệt hại lớn do bão số 5 được vận động đến địa điểm an toàn được phường bố trí sẵn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Nại Hiên Đông, ông Cao Đình Hải cho hay, lực lượng đã gấp rút di tản khoảng 30 hộ dân trên địa bàn trước 20 giờ ngày 17/9.
Người dân trong quá trình tránh bão sẽ được nhắc nhở mang khẩu trang, sát khuẩn và đảm bảo giãn cách theo đúng quy định phòng chống dịch COVID-19. Tại điểm trú ẩn, phường Nại Hiên Đông đã bố trí đầy đủ nước uống, nhu yếu phẩm cũng như cắt cử cán bộ 24/24 để hỗ trợ người dân.
Trước đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã yêu các quận, huyện toàn thành phố khẩn trương sơ tán tổng cộng 72.136 người, trong đó có 62.570 người dân và 9.566 sinh viên, công nhân thuê trọ.
Đà Nẵng cũng yêu cầu các hộ nuôi cá lồng bè trên các sông, vịnh cần neo đậu và di dời người trên các lồng bè lên bờ an toàn trước 20 giờ hôm nay; khẩn trương kêu gọi những tàu cá còn hoạt động ven bờ về tránh trú bão./.