Các doanh nghiệp bất động sản phải chuyển hướng kinh doanh

Các chuyên gia kinh tế và một số “đại gia” bất động sản có uy tín đưa ra lời khuyên “phải cẩn trọng quyết định mua hay đi thuê bất động sản vào lúc này, dù nhằm mục đích kinh doanh hay để ở.”
Các doanh nghiệp bất động sản phải chuyển hướng kinh doanh ảnh 1Khu biệt thự, nhà liền kề trong khu đô thị Gamuda Gaderns (Gamuda City) Hà Nội. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)


Cũng như hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, thị trường bất động sản Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư kinh doanh nhà đất... đang gặp rất nhiều khó khăn trước những thách thức và nguy cơ của đại dịch COVID-19.

Mọi giao dịch ở tất cả các phân khúc thị trường gần như “đóng băng.”

Các chuyên gia kinh tế và một số “đại gia” bất động sản có uy tín đều bày tỏ quan ngại và đưa ra lời khuyên “phải cẩn trọng quyết định mua hay đi thuê bất động sản vào lúc này, dù nhằm mục đích kinh doanh hay để ở.”

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập, nhận định không có nhiều triển vọng lạc quan đối với thị trường bất động sản Việt Nam trong năm nay hoặc ít nhất là nửa đầu năm 2020 hoặc tới chừng nào khủng hoảng vì dịch bệnh chưa chạm đáy.

[Thị trường bất động sản quý I/2020 “đóng cửa” vẫn không giảm giá]

Lý giải nguyên nhân dẫn tới sự “đóng băng” của thị trường bất động sản, theo ông Hiếu, trong số các kênh đầu tư sinh lời, bất động sản đang không được xếp thứ tự ưu tiên hàng đầu.

Bởi trong lúc dịch bệnh các nhà đầu tư đang lo lắng tìm nơi cất giữ tài chính để bảo toàn giá trị. Mối lo cho sinh mạng là quan trọng và việc đầu tư sinh lời lại trở thành thứ yếu.

Chỉ cần nhìn vào sự biến động của giá vàng, ngoại tệ trong thời gian gần đây cũng đủ thấy diễn biến tâm lý của người dân ở thời điểm này, khi dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.

Không chỉ chứng khoán mà cả bất động sản đang là 2 lĩnh vực mà nhà đầu tư cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định. Ông Hiếu cho rằng nếu tiên lượng khả năng kiểm soát dịch bệnh vào thời điểm cuối năm 2020 là chính xác thì lúc ấy mới có sóng để đầu tư. Còn lúc này, nên tập trung nguồn lực.

Thị trường bất động sản đang “ngưng” lại kéo theo những khó khăn, gánh nặng cho doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh nhà đất là điều dễ hiểu. Nếu không nhanh chóng tìm lối thoát hiểm vào ngay lúc này thì việc chậm trễ và chờ đợi có thể khiến doanh nghiệp phải gánh tổn thất lớn, ông Hiếu khuyến cáo.

Chia sẻ về những khó khăn, ông Hồ Hoàng Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phú Thành, một trong những nhà thầu lớn trong ngành xây dựng cho biết doanh nghiệp có khả năng thua lỗ lớn trong năm nay.

Giao dịch thị trường bất động sản ngưng đọng, khiến các chủ đầu tư dự án khó lòng đảm bảo khả năng tài chính để chi trả cho các nhà thầu. Mặc dù vậy, mọi hạng mục của dự án vẫn phải được triển khai thi công để theo kịp tiến độ.

Bởi “nếu chỉ chậm 1 ngày cũng có thể khiến nhà thầu bị phạt hợp đồng. Lúc này đang ở thời điểm không cho phép phát sinh bất kỳ tổn thất hay sai phạm nào về kinh tế,” ông Hải nhấn mạnh.

Ông Hải cho biết việc liên tục phải vay ngân hàng để chi trả và bù đắp các khoản mục và chi phí lương nhân viên, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và vận hành bộ máy, đội ngũ nhân công... tạo thêm sức ép, căng thẳng, không kém gì so với thời điểm khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam và trên toàn cầu trong giai đoạn năm 2011-2012.

Các doanh nghiệp bất động sản phải chuyển hướng kinh doanh ảnh 2Khu đô thị Starlake, Hà Nội. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Kiến trúc sư Nguyễn Đức Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty Vietnambuilding, cho hay doanh nghiệp đang phải cân đối lại các dự án và kế hoạch kinh doanh để chuyển hướng đầu tư sang một số lĩnh vực khác.

Việc tập trung dồn nguồn lực cho một số dự án, công trình bất động sản đang tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn, khó thu hồi vốn nhất là ở thời điểm dịch bệnh như hiện nay. 

Ông Hiệp đặt vấn đề Nhà nước đã có một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khá kịp thời như giãn, hoãn nộp các khoản thuế, phí và bảo hiểm xã hội... Đồng thời, các ngân hàng thương mại cũng triển khai một số gói tín dụng nhiều nghìn tỷ đồng, cho vay lãi suất thấp để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nhằm tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, đối tượng hưởng lợi còn hạn chế ở một số ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp, trong khi bất động sản cũng là ngành chịu ảnh hưởng liên đới và phải gánh không ít hậu quả.

Với mong muốn được Nhà nước quan tâm, ông Hiệp đề xuất tín dụng luôn là vấn đề quan trọng, nếu được Nhà nước cho vay vốn với lãi suất ưu đãi hoặc không lãi suất nhằm duy trì quỹ lương sẽ là giải pháp thực sự có ý nghĩa giúp doanh nghiệp bất động sản như Vietnambuilding duy trì hoạt động trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Khi được dẫn vốn và nguồn tài chính của doanh nghiệp được đảm bảo thông suốt sẽ là lúc doanh nghiệp thoát ra khỏi những vướng mắc, ách tắc của nhiều dự án, công trình. Đương nhiên, nhờ được tiếp thêm nguồn lực, thị trường bất động sản có thể sẽ được phục hồi và có sức bật, vượt lên trong khó khăn, ông Hiệp khẳng định.

Để tìm lối thoát cho các doanh nghiệp ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh như hiện nay, theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hướng mới để duy trì hoạt động và gia tăng thêm tích lũy.

Đây chính là lúc Nhà nước nên thúc đẩy mạnh mẽ hơn khu vực đầu tư công - vốn luôn là điểm nghẽn do chậm hoặc khó giải ngân nguồn lực ngân sách; đồng thời, cũng là nơi có khả năng tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, nhất là ở thời điểm này.

"Vẫn còn thiếu nhiều công trình xây dựng đường xá, cầu cống, đê điều thủy lợi dân sinh hay trường học, bệnh viện... Khi có dự án, sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia, kéo theo nhiều nhà thầu và người lao động bị thất nghiệp sẽ lại có việc làm. Người dân sẽ được hưởng lợi lớn khi các doanh nghiệp được làm ăn ổn định trở lại như cũ," ông Nam gợi mở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục