Các nước Nam Âu chuẩn bị bước vào mùa Hè hạn hán khắc nghiệt

Khi biến đổi khí hậu khiến miền Nam châu Âu ngày càng nóng hơn và khô hơn, nhiều năm hạn hán nghiêm trọng liên tiếp đã khiến các vùng dự trữ nước ngầm tại khu vực ngày càng cạn kiệt.
Các nước Nam Âu chuẩn bị bước vào mùa Hè hạn hán khắc nghiệt ảnh 1Lòng sông khô nứt do hạn hán tại Girona, Tây Ban Nha, ngày 16/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Miền Nam châu Âu đang chuẩn bị bước vào mùa Hè hạn hán khắc nghiệt, trong đó nhiều vùng hiện đã thiếu nước, khiến nông dân lo ngại sản lượng sẽ ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Khi biến đổi khí hậu khiến miền Nam châu Âu ngày càng nóng hơn và khô hơn, nhiều năm hạn hán nghiêm trọng liên tiếp đã khiến các vùng dự trữ nước ngầm tại khu vực ngày càng cạn kiệt.

Đất đai ở Tây Ban Nha và miền Nam nước Pháp cũng trở nên khô cằn hơn. Mực nước ở các dòng sông, hồ chứa thấp cũng có thể khiến sản lượng thủy điện giảm.

[Infographics] Hạn hán có nguy cơ gia tăng tại châu Âu

Trong bối cảnh nhiệt độ tăng cao trong mùa Hè, các nhà khoa học cảnh báo châu Âu đang chuẩn bị đương đầu với một mùa Hè khắc nghiệt nữa sau mùa Hè 2022 được cho là nóng nhất trong lịch sử vốn dẫn tới đợt hạn hán mà các nhà nghiên cứu khẳng định là tồi tệ nhất trong 500 năm.

Từ đầu năm tới nay, tình hình diễn ra đặc biệt nghiêm trọng tại Tây Ban Nha. Giáo sư phân tích địa lý từ đại học Alicante, Jorge Olcina, cho biết tình hình hạn hán sẽ còn diễn ra tồi tệ hơn trong mùa Hè năm nay. Hiện rất ít khả năng có đủ lượng mưa để bù đắp và giải quyết vấn đề hạn hán.

Giáo sư Olcina cho biết vào thời điểm này trong năm, điều duy nhất mà khu vực này có là các trận bão đúng nơi, đúng lúc nhưng cũng không thể giải quyết được tình trạng thiếu mưa.

Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha Luis Planas cảnh báo ảnh hưởng của đợt hạn hán này nghiêm trọng tới mức chỉ riêng ngân sách quốc gia sẽ không thể giúp khắc phục hiệu quả, qua đó kêu gọi trợ giúp từ Liên minh châu Âu (EU).

Tình trạng hạn hán ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn tại vùng Địa Trung Hải, nơi có nhiệt độ trung bình hiện đã cao hơn 1,5 độ C so với 150 năm trước, cũng diễn ra đúng với dự báo của các nhà khoa học về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới khu vực này. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị ứng phó với tình trạng này bị cho là chậm trễ.

Nhiều vùng canh tác nông nghiệp chưa kịp ứng dụng các biện pháp tiết kiệm nước hay chuyển đổi sang cây trồng chịu hạn tốt hơn.

Pháp sắp bước vào mùa Hè hạn hán ngay sau mùa Đông khô hạn nhất từ năm 1959 khiến một số vùng trên cả nước phải cảnh báo khủng hoảng khô hạn. Bồ Đào Nha cũng đang bước vào những ngày đầu hạn hán.

Khoảng 90% diện tích lục địa nước này đang trong tình trạng hạn hán, trong đó khoảng 1/5 diện tích đất nước chịu khô hạn nghiêm trọng, gấp 5 lần diện tích chịu hạn cùng kỳ năm ngoái.

Tại Tây Ban Nha, lượng mưa tháng Tư năm nay chưa đạt đến 50% lượng mưa trung bình cùng kỳ hằng năm. Hàng nghìn người phải dùng nước được vận chuyển bằng xe tải từ các nơi khác.

Nhiều vùng ở Catalonia đã phải hạn chế sử dụng nước. Tây Ban Nha là nơi sản xuất khoảng 50% oliu và hơn 30% hoa quả cung cấp cho EU.

Khi mực nước ở các hồ chưa chỉ đạt trung bình 50% tổng công suất, Tây Ban Nha đã dành 2 tỷ euro (2,2 tỷ USD) cho quỹ ứng phó khẩn, đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) hỗ trợ 450 triệu euro để giúp nước này đương đầu với hạn hán. Một số vùng ở Italy cũng đang trong cảnh khan hiếm nước.

Không chỉ riêng miền Nam châu Âu thiếu nước nghiêm trọng mà cả vùng Sừng châu Phi cũng đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập niên trong khi Argentina cũng đang trải qua đơt hạn hán lịch sử, làm giảm năng suất vụ mùa đậu nành và ngô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục