Các trường đại học lý giải nguyên nhân tăng học phí trong năm học mới

Các trường đại học đồng loạt tăng học phí, chất lượng đào tạo có tăng?

Theo lãnh đạo các trường đại học, việc tăng học phí nhằm tạo nguồn lực để trường nâng cao chất lượng đào tạo thông qua đầu tư cho đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, dịch vụ sinh viên...
Các trường đại học đồng loạt tăng học phí, chất lượng đào tạo có tăng? ảnh 1Năm học 2021-2022, các trường đại học đồng loạt tăng học phí. (Ảnh: PV)

Mùa tuyển sinh năm 2021-2022, hầu hết các trường đều tăng học phí so với năm học 2020-2021 với các mức khác nhau.

Học phí tăng

Năm 2020, sinh viên có hộ khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh được hưởng chế độ ưu tiên khi học tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch khi chỉ phải đóng mức học phí 14,3 triệu đồng so với mức học phí 28,6 triệu đồng như các thí sinh địa phương khác.

Tuy nhiên, từ năm học 2021-2022 sẽ không còn cơ chế này. Theo công bố của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong đề án tuyển sinh năm 2021, từ năm học 2021-2022, mức học phí không phân chia theo khu vực mà sẽ “đồng giá” và tăng lên. Theo đó, mức cao nhất không vượt quá 32 triệu đồng cho các ngành Y khoa, Dược học, Răng-hàm-mặt và không quá 28 triệu đồng cho các ngành Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Khúc xạ nhãn khoa, Y tế công cộng.

Nhà trường cũng ghi rõ học phí này chưa bao gồm hai học phần bắt buộc là Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng-An ninh được thu theo quy định hiện hành. Đơn giá học phí các năm sau có thể được điều chỉnh trượt giá theo quy định.

Đại học FPT cũng tăng học phí đào tạo từ 25,3 triệu/học kỳ lên 27,3 triệu/học kỳ, chương trình đào tạo tiếng Anh tăng từ 10,35 triệu lên 11,3 triệu cho mỗi mức đào tạo. Học phí các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm tăng 10%. Học phí của Đại học Phú Xuân năm học 2021-2022 sẽ tăng 5% so với năm học 2020-2021.

Học phí Đại học Bách Khoa Hà Nội áp dụng cho sinh viên khóa mới (K66) năm học 2021-2022 theo chương trình chuẩn là từ 22 đến 28 triệu đồng/năm (năm 2020-2021 là từ 17 đến 25 triệu đồng), chương trình tiên tiến về Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo (IT-E10) là từ 50 đến 60 triệu đồng/năm, tăng từ 5 đến 10 triệu đồng so với mức 45-50 triệu đồng/năm của khóa tuyển sinh năm 2020. Đây cũng là mức học phí được trường áp dụng cho các ngành Công nghệ thông tin Việt-Pháp (IT-EP, IT-EPx), Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (EM-E14, EM-E14x). Thậm chí, chương trình TROY (học 3 kỳ/năm) còn có mức học phí lên đến 80 triệu đồng/năm.

Các trường đại học đồng loạt tăng học phí, chất lượng đào tạo có tăng? ảnh 2Mức học phí mới của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. (Ảnh chụp màn hình)

Tương tự, năm nay, học phí của Học viện Tài chính cũng tăng thêm 3 triệu so với năm 2020, từ 12 triệu lên 15 triệu đồng/sinh viên/năm. Tổng học phí cho toàn khóa học là 60 triệu đồng/sinh viên. Từ năm học 2022- 2023, học phí sẽ được điều chỉnh theo quy định hiện hành của Nhà nước nhưng không vượt quá 10%/năm học. Riêng  chương trình chất lượng cao và diện tuyển sinh theo đặt hàng vẫn giữ nguyên mức học phí như năm ngoái, lần lượt là 45 triệu đồng/năm và 40 triệu đồng/năm.

Chất lượng có tăng?

Chia sẻ về lý do tăng học phí, phó giáo sư Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng Ban Quản lý đào tạo Học viện Tài chính cho rằng đây là điều tất yếu để nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh các trường thực hiện tự chủ. Cụ thể, học phí trước đây thấp do các trường được Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay các trường đã thực hiện tự chủ, nếu học phí thấp sẽ không thể đủ chi phí thường xuyên, chưa nói đến việc nâng cao chất lượng đào tạo.

“Đây cũng là trách nhiệm của người học với việc học của mình và việc đào tạo của các trường,” ông Thạch chia sẻ.

Đồng tình, Hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Ngô Minh Xuân cho rằng từ năm 2018 trường bắt đầu thực hiện tự chủ nên việc tăng học phí là tất yếu. Cùng với việc tăng học phí, trường sẽ tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường các chương trình hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực thực hành tại các cơ sở y tế, năng lực ngoại ngữ phục vụ sự phát triển nghề nghiệp cho người học, nhằm đáp ứng nhu cầu cao về chất lượng nhân lực y tế khi tốt nghiệp đại học.

[Tuyển sinh đại học 2021: Tăng chỉ tiêu, thêm nhiều ngành học mới]

Nâng cao chất lượng đào tạo cũng là lý do tăng 5% học phí của Đại học Phú Xuân, theo lý giải của tiến sỹ Hồ Thị Hạnh Tiên, Hiệu trưởng nhà trường: “Trường cần chi phí cho đội ngũ giảng viên, chi phí mời các giảng viên nước ngoài, doanh nhân, câng cao cơ sở vật chất, dịch vụ học đường cho sinh viên... Cùng với việc tăng học phí, chất lượng đào tạo cũng sẽ tăng lên.”

Tương tự, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho biết việc tăng học phí theo lộ trình là để phù hợp lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo vào học phí đến năm 2025. Cụ thể, mức mức tăng trung bình khoảng 8%/năm học và không vượt quá mức 10%/năm học đối với từng chương trình đang triển khai đào tạo.

Để đảm bảo học phí tương xứng với chất lượng đào tạo, Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho hay dự thảo Nghị định quy định về vấn đề học phí đang được Bộ soạn thảo để trình Chính phủ thông qua sẽ bổ sung yêu cầu gắn học phí với kết quả kiểm định chất lượng.

Theo đó, việc xác định mức học phí không chỉ theo mức độ tự chủ tài chính của các trường mà còn gắn với kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục công lập. Tùy vào từng mức kết quả kiểm định các trường sẽ được xác định mức học phí tương ứng. Đây là điểm mới mà quy định hiện hành chưa đề cập đến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục