Cân nhắc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hộ kinh doanh là đối tượng cần có sự quản lý của Nhà nước, cần có địa vị pháp lý để được tiếp cận chính sách của Nhà nước để phát triển.
Cân nhắc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi ảnh 1Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Cần đánh giá kỹ tác động

Cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật.

Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần thúc đẩy sự thành lập, phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Tại phiên thảo luận, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về hộ kinh doanh. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Dự thảo Luật đã bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh trong đó tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự (hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký); bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh (như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện).

Cân nhắc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi ảnh 2Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật, cho biết Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Đây là đối tượng cần có sự quản lý của nhà nước, cần có địa vị pháp lý để được tiếp cận chính sách của nhà nước để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật này là không phù hợp vì Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp; quy định về nhóm công ty.

Nếu điều chỉnh phạm vi, đưa đối tượng này vào dự thảo Luật thì tên gọi của luật nên là Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh, vì hộ kinh doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng trước khi luật hóa quy định về hộ kinh doanh cần phải trả lời câu hỏi vì sao hộ kinh doanh không thích lên doanh nghiệp?

“Lên doanh nghiệp thuế má rất phức tạp, hộ kinh doanh làm gì có kế toán, có gian nhà con con mấy chục mét vuông thì kinh doanh đơn giản thôi. Ngoài ra, lên doanh nghiệp tiếp thanh tra, kiểm tra, không ai mong muốn điều này cả," Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc phân tích và đề nghị đánh giá kỹ tác động về vấn đề này, không nên vội vàng đưa vào trong dự thảo Luật.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận định khi đưa một chủ thể vào luật cần cân nhắc kỹ. “Báo cáo thẩm tra đề cập trên thế giới có hai nước quy định tính pháp lý của hộ kinh doanh, vậy các nước còn lại quy định như thế nào và ở văn bản nào?," bà Nga băn khoăn và bày tỏ sự chưa yên tâm khi bổ sung quy định hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

[Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô]

Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cũng đề nghị cân nhắc việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật. Ông đánh giá, trong dự thảo Luật ngoài việc bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh (như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện) thì chưa thấy quy định gì khuyến khích để hộ này phát triển hơn. “Đề nghị nên thận trọng, không sẽ gây tâm lý hoang mang cho các hộ kinh doanh," ông Túy nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ việc bổ sung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là vấn đề lớn nhưng chưa có sự đánh giá tác động đầy đủ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề nào đã rõ, đã "chín" thì mới bổ sung, còn nếu không thì chỉ sửa những vấn đề bất cập để phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

Liên quan đến nội dung về đăng ký doanh nghiệp (Chương I và II), dự thảo Luật bãi bỏ hai thủ tục không còn cần thiết, gồm thủ tục thông báo mẫu dấu (Điều 44) và thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp (Điều 12).

Cho rằng việc bỏ hai thủ tục này sẽ giảm bớt thủ tục hành chính, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị đánh giá kỹ tác động vấn đề này trong điều kiện thực tế ở Việt Nam, đặc biệt là sự phức tạp, khó kiểm soát, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay.

"Việc chỉ cần chữ ký không có con dấu thì khó đảm bảo độ an toàn, sự tin cậy của giao ước, hợp đồng kinh tế. Việc bỏ con dấu có thể giảm được thủ tục hành chính nhưng có thể phát sinh thủ tục khác phức tạp hơn nếu xảy ra tranh chấp," Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Cân nhắc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi ảnh 3Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Hoàn thiện quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Theo Tờ trình của Chính phủ, mục tiêu xây dựng dự án Luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đăng ký đầu tư; cắt giảm chi phí, thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Dự án Luật sửa đổi 36 điều, bổ sung bốn điều, bãi bỏ hai điều của Luật Đầu tư năm 2014. Đáng chú ý, dự thảo Luật bổ sung quy định về hình thức áp dụng, nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như các nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung sáu ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.

Cân nhắc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi ảnh 4Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Dự thảo Luật cũng bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư; tiếp tục cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy và tiền chất; các hóa chất, khoáng vật và động, thực vật hoang dã bị cấm theo các công ước quốc tế, nhưng bãi bỏ các Phụ lục 1, 2 và 3 của Luật Đầu tư và giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thực tiễn thay đổi nhanh chóng của các sản phẩm này.

Về việc đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Vì thế, không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Ủy ban Kinh tế cũng cơ bản tán thành việc bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, vì việc quy định điều kiện để kinh doanh các ngành, nghề này là không cần thiết, không phù hợp về mặt bản chất; sửa đổi một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để phù hợp với Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES); sửa đổi mang tính kỹ thuật đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để thống nhất với quy định mới của một số luật có liên quan.

Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là điều kiện đầu tư kinh doanh của các ngành, nghề bảo đảm thực sự tạo điều kiện thuận lợi, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục