Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong bối cảnh dịch COVID-19

Việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng đối với người cao tuổi, sức đề kháng suy giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, dễ mắc bệnh và diễn biến bệnh thường nặng khi dịch bệnh xảy ra.
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế tại Quảng Ninh đo thân nhiệt, khám sức khỏe cho người cao tuổi. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Bộ Y tế vừa có Quyết định 1588/QĐ-BYT ngày 7/4/2020 về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn tạm thời quản lý sức khỏe người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại tuyến y tế cơ sở trong bối cảnh dịch COVID-19” và “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe phòng, chống dịch COVID-19 cho người cao tuổi tại cộng đồng.”

Tài liệu này được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng tiểu ban điều trị, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, phần lớn trong số này mắc nhiều bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành...

Trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh, trên 80 tuổi 6,8 bệnh.

[Bộ Y tế đã xây dựng quy trình để người dân khám chữa bệnh an toàn]

Việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng đối với người cao tuổi, sức đề kháng suy giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, dễ mắc bệnh và diễn biến bệnh thường nặng khi dịch bệnh xảy ra.

Sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, sự đồng lòng của người dân đã giúp Việt Nam hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, đòi hỏi mỗi người cao tuổi và thành viên gia đình người cao tuổi, người chăm sóc cho người cao tuổi cần có kiến thức, kỹ năng cần thiết.

Đó là những lý do trong thời gian ngắn Ban Soạn thảo đã xây dựng tài liệu “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe để phòng, chống dịch COVID-19 cho người cao tuổi tại cộng đồng.”

Theo các số liệu thống kê nghiên cứu cho thấy người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn, bệnh cảnh nặng nề hơn, điều trị kéo dài hơn với chi phí tốn kém hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn.

Ở Trung Quốc, tỷ lệ tử vong lên tới 19% ở bệnh nhân từ 70 tuổi trở lên; 10,5% ở người mắc bệnh tim mạch; 7,3% ở người mắc đái tháo đường; 6,3% ở người mắc COPD; 6,0% ở người tăng huyết áp và 5,6% ở bệnh nhân ung thư.

Trong khi đó, 8 trong số 10 ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ là người cao tuổi.

Tại Việt Nam, có 17/245 trường hợp bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đều là người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền mạn tính.

Phòng ngừa lây nhiễm bệnh COVID-19 không chỉ giúp phòng tránh lây lan bệnh ở một nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong chung, mà còn góp phần trì hoãn đỉnh dịch, tránh nguy cơ quá tải cho hệ thống y tế khiến cho dịch bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Bởi vậy, Chính phủ và ngành Y tế luôn coi người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính là đối tượng ưu tiên trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trong bối cảnh đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã thành lập nhóm chuyên gia đến từ Bộ môn Y học gia đình Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Lão khoa Trung ương... tham gia biên soạn tài liệu “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính ở tuyến y tế cơ sở trong bối cảnh dịch COVID-19.”

Tài liệu này nhằm hướng dẫn cán bộ y tế cơ sở trong việc phối hợp với y tế tuyến trên cùng chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương vừa thực hiện nhiệm vụ dự phòng lây nhiễm COVID-19 cho người cao tuổi, vừa bảo đảm điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính tại cộng đồng trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh.

Với việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn tạm thời quản lý sức khỏe người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại tuyến y tế cơ sở trong bối cảnh dịch COVID-19” và “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe phòng, chống dịch COVID-19 cho người cao tuổi tại cộng đồng,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Trưởng ban biên soạn hy vọng, sức khỏe người cao tuổi luôn được quản lý, chăm sóc, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Cũng trong chiều 8/4, tại Cục Quản lý khám chữa bệnh đã diễn ra buổi họp Hội đồng chuyên môn về chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh không lây nhiễm trong bối cảnh dịch COVID-19 do Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Lân Việt, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch-Bệnh viện Bạch Mai làm Chủ tịch Hội đồng; Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê làm Phó Chủ tịch Hội đồng cùng 20 thành viên khác là chuyên gia các lĩnh vực tim mạch, hô hấp, nội tiết, đái tháo đường.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục