Ngày 19/8, tại Trung tâm Quản lý và Điều hành hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19, Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức tư vấn chuyên môn về chăm sóc, phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 cho các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Đà Nẵng.
Tham dự buổi tư vấn tại Bộ Y tế có Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai; Trưởng Phòng Điều dưỡng các Bệnh viện: Hữu nghị Việt Đức, Nhi Trung ương, Bệnh Nhiệt đới Trung ương và đại diện các phòng chức năng của Cục quản lý Khám, chữa bệnh.
Tại các điểm cầu trên cả nước còn có các thành viên của Hội đồng chuyên môn như Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Thành phố Hồ Chí Minh; Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Thành phố Hồ Chí Minh; Thạc sỹ Trần Hữu Luyện, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Thừa Thiên Huế; Tiến sỹ Kiều Chí Thành, Trưởng Khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn Bệnh viện 103…
Tại điểm cầu Đà Nẵng có Thạc sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng; Tiến sỹ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, lãnh đạo và các cán bộ chuyên môn của Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Trung tâm Y tế Hòa Vang.
Tại buổi họp, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã động viên những nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế Đà Nẵng trong suốt 25 ngày qua.
Mặc dù vậy, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, chỉ trong 1 tháng, số bệnh nhân mắc COVID-19 tại đây đã tăng cao hơn số bệnh nhân của cả nước trong gần 8 tháng qua.
Giai đoạn đầu, có hai cán bộ y tế mắc COVID-19, không có bệnh nhân tử vong. Hiện nay đã có 30 cán bộ y tế mắc. Đến ngày 18/8 cả nước có 26 ca tử vong (trong đó có 1 ca tử vong đã âm tính 4 lần với SARS-CoV-2).
Bài học lớn đối với hệ thống khám chữa bệnh là giai đoạn đầu Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hồng Ngọc bị đóng cửa, ngay khi bước vào giai đoạn 2 của chiến dịch 4 Bệnh viện của Đà Nẵng đã bị đóng cửa...
[Bệnh viện tuyệt đối không để người nghi mắc COVID-19 tự ý di chuyển]
Do đó, bên cạnh kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát lây nhiễm chéo trong bệnh viện là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng hiện nay. Nhiều bệnh viện đã làm tốt kiểm soát nhiễm khuẩn, nhưng chỉ lơ là một chút là “mất trận địa” và “thủng lưới.”
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê đề nghị các bệnh viện thực hiện ngay Công văn số 4393/BYT-KCB về việc tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Trong đó phải tổ chức rà soát, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh dịch đã ban hành. Thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội trong bệnh viện giữa các khoa, phòng và các nhóm nhân viên y tế. Bảo đảm mọi người khi vào bệnh viện, khi vào các tòa nhà và các khoa phải mang khẩu trang và vệ sinh tay...
Tại buổi họp, các thành viên Hội đồng tư vấn đã tập trung tư vấn các giải pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, các giải pháp chăm sóc người bệnh COVID-19 cho các bệnh viện.
Đối với Bệnh viện Đà Nẵng, các chuyên gia cũng đề nghị Bệnh viện phải có kế hoạch tổng thể kiểm soát lây nhiễm, thông khí toàn bệnh viện. Việc thông khí phòng bệnh phải được thực hiện toàn bệnh viện chứ không chỉ ở tại 1-2 khoa, phòng. Bệnh viện phải có chính sách để các bệnh phòng không được quá tải.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai cũng lưu ý, Bệnh viện Đà Nẵng phải xác định đây là cuộc chiến lâu dài chứ không phải chỉ diễn ra 1-2 tháng.
Vì vậy, Bệnh viện phải tập trung vào kiểm soát nhiễm khuẩn, phân luồng, cách ly người bệnh. Nếu để tình trạng quá tải diễn ra trong bệnh viện thì sẽ phá vỡ mọi quy tắc về kiểm soát nhiễm khuẩn và lây nhiễm trong bệnh viện.
Hiện Bệnh viện đang trong giai đoạn phong tỏa đợt 2, bệnh viện cần tập trung vào các giải pháp cải tiến và đảm bảo an toàn bệnh viện trong phòng chống dịch COVID-19.
Các chuyên gia khác cũng đề nghị các bệnh viện ở Đà Nẵng phải giám sát chặt chẽ việc thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn, mang khẩu trang N95 đúng quy định; sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân đúng hướng dẫn tránh lây nhiễm và tiết kiệm, để phục vụ việc chống dịch lâu dài...
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề nghị cần huấn luyện, bổ sung kiến thức về phòng chống dịch bệnh không chỉ cho cán bộ y tế mà cả đội ngũ cán bộ bảo vệ, trông giữ xe, các bộ phận hỗ trợ... và những câu hỏi bắt buộc dành cho những người đến bệnh viện.
Sau Đà Nẵng, Hội đồng chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn và điều dưỡng sẽ tổ chức tiếp các buổi tư vấn chuyên môn cho Sở Y tế và các bệnh viện ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế, Thái Bình, Hòa Bình, Khánh Hòa, Trà Vinh, Kiên Giang, Đắk Lắk…/.