Chuyên gia: Cần xây dựng, hoàn thiện Luật Bảo vệ động vật hoang dã

Theo các chuyên gia, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về động vật hoang dã cũng như cần xây dựng luật riêng về bảo vệ động vật hoang dã là hết sức cần thiết.
Chuyên gia: Cần xây dựng, hoàn thiện Luật Bảo vệ động vật hoang dã ảnh 1Vượn má vàng được trung tâm cứu hộ thành công được nuôi nhốt tại đơn vị. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Hiện tình hình buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam còn phức tạp, bất chấp quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các tổ chức bảo tồn.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; trong đó yêu cầu dừng nhập khẩu động vật hoang dã cho đến khi có chỉ đạo mới và kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật.

Tuy nhiên, các bằng chứng thực tế chỉ ra rằng buôn bán động vật hoang dã vẫn được hoạt động công khai, lén lút, nhỏ lẻ và có tổ chức trước sự bất lực của cơ quan chức năng.

Từng bước giảm nuôi nhốt động vật hoang dã

Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam, cho biết việc nuôi nhốt động vật thường xuyên diễn ra với các loài được sinh sản trong các trang trại nuôi vì mục đích kinh tế, do vậy khi tái thả các cá thể nuôi nhốt về tự nhiên phải kiểm dịch. Tuy nhiên, việc tịch thu, xử lý tang vật nuôi nhốt và hoàn thành các thủ tục hành chính đã diễn ra trong hơn 7 tháng, dẫn đến động vật cứu hộ phải nuôi nhốt lâu ngày, thường xuyên bị ức chế, đồng thời gây ra áp lực về tài chính, nhân công.

Việc đẩy nhanh quá trình hoàn thiện các thủ tục hành chính để cơ quan cứu hộ có thể tái thả động vật sớm vừa giúp giảm áp lực tài chính và đảm bảo các tập tính hoang dã không bị mai một do nuôi nhốt quá lâu ngày.

Đồng quan điểm trên, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho rằng việc nuôi nhốt động vật phục vụ nhu cầu sử dụng của con người đang tạo ra những hệ quả rất lớn cho công tác bảo tồn động vật hoang dã. Đặc biệt việc nuôi động vật thường dẫn đến áp lực săn bắt ngoài tự nhiên để bán cho các trang trại. Trong khi việc nhân nuôi này thường chỉ rộ lên một thời gian, chủ yếu bán giữa các chủ nuôi. Khi động vật thành thành phẩm thì không được cộng đồng đón nhận, dẫn đến việc rớt giá-bài học từ nhiều trang trại nuôi cá sấu, rắn, nhím… thời gian qua.

[Bảo tồn động vật hoang dã: Xử lý nghiêm hành vi buôn bán trái phép]

Bà Bùi Thị Hà nhấn mạnh việc không ăn và không sử dụng những sản phẩm động vật hoang dã, kể cả từ các trang trại chăn nuôi chính là biện pháp bảo tồn hiệu quả nhất, không chỉ góp phần bảo tồn động vật hoang dã ngoài tự nhiên, mà còn tránh các nguy cơ lây nhiễm bệnh từ động vật đó.

Đáng chú ý, dịch COVID-19 đã gây ra hơn 5 triệu cái chết trên toàn thế giới tính tới thời điểm hiện tại và dù chưa có khẳng định nguồn gốc về mặt khoa học, nhưng các nghiên cứu về gen cho thấy rất có thể virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ động vật hoang dã, do con người săn bắt đưa ra khỏi hệ sinh thái của nó, dẫn đến có những biến thể và lây nhiễm sang người.

Cần xây dựng Luật Bảo vệ động vật hoang dã

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, mặc dù Nhà nước đã ban hành khá nhiều quy định pháp luật để bảo vệ động vật hoang dã, nhưng công tác này chưa thực sự hiệu quả do các quy định về công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã nằm rải rác trong các luật khác nhau, còn có sự chồng chéo, chưa rõ ràng, thống nhất, nhiều vấn đề thực tiễn phát sinh nhưng luật chưa theo kịp để điều chỉnh... Bởi vậy, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về động vật hoang dã cũng như cần xây dựng một luật riêng về bảo vệ động vật hoang dã là hết sức cần thiết.

Về chính sách, pháp luật liên quan đến nuôi một số loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, cần được ưu tiên bảo vệ như hổ, báo... bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho biết pháp luật chỉ cấm việc nuôi vì mục đích thương mại (giết mổ, buôn bán...), còn mục đích phi thương mại, Nhà nước khuyến khích mọi thành phần tham gia, miễn là đáp ứng được các yêu cầu: nguồn gốc con giống hợp pháp; cơ sở nuôi phù hợp với đặc tính sinh trưởng của loài nuôi; bảo đảm an toàn cho người, vật nuôi, vệ sinh môi trường và phòng dịch...

Thực tế đã có nhiều tổ chức, cá nhân nuôi phi thương mại thành công, góp phần vào công tác bảo tồn động vật hoang dã. Theo bà Bùi Thị Hà, bên cạnh việc tiếp tục hướng dẫn, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức nuôi phi thương mại các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, các bộ, ngành, cơ quan chức năng, địa phương cần quản lý chặt hơn nữa hoạt động gây nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại.

Bởi không kiểm soát tốt sẽ giảm hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ động vật hoang dã do khó có thể phân biệt được tính hợp pháp của một cá thể động vật hoang dã cũng như sản phẩm của chúng khi đưa ra thị trường, nhất là khi không ít cơ sở nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại đang bị lợi dụng như một vỏ bọc để hợp pháp hóa động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên. Mặt khác, hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã không mang lại giá trị bảo tồn khi tình trạng giao phối cận huyết và lai tạp nguồn gen diễn ra phổ biến tại các cơ sở gây nuôi...

Chuyên gia: Cần xây dựng, hoàn thiện Luật Bảo vệ động vật hoang dã ảnh 2Các loài chim được cứu hộ nuôi nhốt tại trung tâm. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Đồng quan điểm trên, bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm Hành động vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) cho rằng đa số các địa phương “nóng về buôn bán động vật hoang dã, các cơ quan chức năng chưa sát sao rà soát, quản lý hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã và buôn bán động vật hoang dã.

Hoạt động quảng cáo, giao dịch động vật hoang dã công khai trên mạng xã hội cũng ít được quan tâm truy quét, chưa kể rất nhiều vụ nhận được báo cáo, tố giác nhưng không được tiếp nhận xử lý. Bên cạnh đó, khó nhận diện đâu là động vật bị cấm săn bắn, buôn bán, vận chuyển, sử dụng và đâu là động vật được phép khai thác, buôn bán nên việc thanh, kiểm tra và giám sát quản lý hoạt động buôn bán động vật hoang dã khó khăn.

Việc nuôi động vật hoang dã tại một số địa phương dường như không khác nuôi động vật thông thường. Do đó, việc kiểm soát, điều tra, xử lý các vi phạm về động vật hoang dã đòi hỏi quyết tâm của lãnh đạo địa phương trong chỉ đạo, giám sát liên ngành cũng như tính trách nhiệm của bộ phận thực thi pháp luật.

Nhằm thúc đẩy phòng, chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, hạn chế nguy cơ bùng phát các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật, theo bà Hoàng Thị Minh Hồng, các cơ quan chức năng nên rà soát và đóng cửa toàn bộ các chợ, địa điểm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp khi để xảy ra vi phạm về buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp trên địa bàn.

Ngoài ra, cần thúc đẩy tập huấn và truyền thông tại cấp cơ sở để người dân có thể phát giác các hành vi vi phạm pháp luật và hỗ trợ cơ quan chức năng giám sát, quản lý, xử lý vi phạm về buôn bán động vật hoang dã. Đặc biệt, cần có cơ chế chia sẻ và cập nhật định kỳ hệ thống dữ liệu chung giúp người dân có thể tham gia giám sát hoạt động quản lý, xử lý vi phạm.

Ông Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan Quản lý Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân từ bỏ thói quen sử dụng trái phép động vật hoang dã, quý, hiếm; đấu tranh xóa bỏ lối sống khoe khoang sự giàu sang, qua việc sử dụng sản phẩm cấm như ngà voi, nanh hổ; hổ, báo nhồi bông...

Đặc biệt, sản phẩm từ động vật hoang dã quý, hiếm cũng có những công dụng cho sức khỏe như "thần dược" để chữa bệnh nên không đánh đổi sự sống của động vật hoang dã, quý, hiếm để tạo ra những sản phẩm không có hoặc tác dụng chữa bệnh chưa rõ ràng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục