Theo Tân hoa xã, mới đây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên tiếng hoan nghênh chiến lược mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vấn đề Iran, giới chuyên gia cho rằng những tuyên bố như vậy có thể khiến căng thẳng gia tăng nhanh chóng.
Ông Netanyahu luôn kịch liệt chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran, tuy nhiên nhà lãnh đạo này không thể kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ lập trường của mình. Tuy nhiên, giờ ông Netanyahu đã tìm thấy đồng minh cho mình, một người có tầm ảnh hưởng rất lớn trên trường quốc tế.
Ngay sau khi ông Trump tuyên bố sẽ không công nhận Iran tuân thủ thỏa thuận theo quy định của luật pháp Mỹ, văn phòng Thủ tướng Israel đã đăng tải một đoạn băng ghi sẵn, trong đó ông Netanyahu chúc mừng ông Trump vì "quyết định dũng cảm" này.
[Chuyên gia: Quyết định về Iran sẽ gây ra hậu quả địa chính trị]
Chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Haifa (Israel) và từng là trợ lý cố vấn chính sách đối ngoại cho Thủ tướng Israel, ông Ehud Eiran nhận định: "Giờ đã xuất hiện một số điều kiện cho sự bất ổn trong khu vực, với nguy cơ xung đột lớn hơn nhiều so với trong quá khứ."
Ông Eiran chỉ ra rằng sự hiện diện của Iran tại Syria, quốc gia nằm ở biên giới phía Bắc Israel, đang trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, Iran cũng ủng hộ nhóm vũ trang Hezbollah tại Liban - một tổ chức thường xuyên đụng độ với Israel.
Ông Eiran cho rằng Iran coi Israel như một trạm trung chuyển của Mỹ, đồng thời khẳng định động thái của Tổng thống Trump cũng sẽ gây bất ổn tới liên minh quốc tế chống lại Tehran.
Trong khi đó, nhà báo Amir Oren của báo Haaretz (Israel) cho rằng tuyên bố của ông Trump đã làm bùng nổ những hy vọng của ông Netanyahu trong việc tạo ra một cuộc khủng hoảng với Iran. Tuy nhiên, rõ ràng phản ứng của cộng đồng quốc tế cho thấy mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng, bất kể là về quân sự hay ngoại giao.
Trước đó, ngày 13/10, Tổng thống Trump đã tuyên bố bác bỏ xác nhận việc Iran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, bất chấp sự xác nhận của các thanh sát viên quốc tế. Động thái này vô hình trung đã "đẩy quả bóng" về quyền quyết định có chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran hay không cho Quốc hội Mỹ hiện do phe Cộng hòa kiểm soát.
Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để đưa ra quyết định. Lãnh đạo các nước Pháp, Anh và Đức đều lên tiếng cảnh báo về hậu quả của hành động trên./.