Chuyên gia: Mỹ buộc phải chấp nhận Triều Tiên là cường quốc hạt nhân

Theo chuyên gia, việc Mỹ chấp nhận một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ đi đôi với các biện pháp quân sự, ít nhất là triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh mẽ tại Hàn Quốc.
Chuyên gia: Mỹ buộc phải chấp nhận Triều Tiên là cường quốc hạt nhân ảnh 1Bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. (Nguồn: 38 North/TTXVN)

South China Morning Post đưa tin bà Su Mi Terry, nhà phân tích cấp cao về Đông Bắc Á làm việc trong Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush, nhận định Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận Triều Tiên sở hữu hạt nhân.

Cũng theo bà Su Mi Terry, Trung Quốc có thể sẽ phải chứng kiến quốc gia láng giềng Hàn Quốc được trang bị hạt nhân hoặc ít nhất được vũ trang hạng nặng hơn so với hiện giờ.

Theo bà Terry, việc Mỹ chấp nhận một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ đi đôi với các biện pháp quân sự, ít nhất là triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh mẽ tại Hàn Quốc bất chấp phản ứng của Trung Quốc.


[IAEA: Triều Tiên tiến triển nhanh chóng trong việc phát triển vũ khí]

Chuyên gia Terry, hiện là cố vấn cấp cao tại Bower Group Asia, hãng tư vấn về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng: “Chúng ta có thể sáng tạo trong vấn đề kiềm chế và răn đe.”

Theo bà, một chính sách kiềm chế và răn đe “không có nghĩa chúng ta chỉ ngồi yên và nói 'thế là ổn.' Nó có thể là phòng thủ tên lửa. Nó có thể là cuối cùng sau khi Triều Tiên đạt được năng lực tấn công Mỹ với một tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân, thì Hàn Quốc cũng sẽ phải có vũ khí hạt nhân.

Cũng theo chuyên gia Terry, Triều Tiên “sẽ tiếp tục các hành động khiêu khích và hoàn thiện chương trình (hạt nhân) của họ vì cả Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã biến đây thành vấn đề cá nhân."

Đề cập tới hệ thống phòng thủ tên lửa, chuyên gia Will Saetren, nhà nghiên cứu chuyên về chính sách hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Mỹ-Trung cho rằng: “Vấn đề đặt ra là cả THAAD và Aegis, hai hệ thống phù hợp nhất cho phòng thủ của Nhật Bản và đảo Guam này, đều chưa từng được sử dụng để đối phó với một tên lửa nào được phóng đi với ý định tấn công. Điều gì sẽ xảy ra nếu họ phải làm vậy ? Hy vọng là sẽ không có lúc chúng ta phải trả lời câu hỏi này"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục