Chuyện về thầy giáo nối dài ước mơ cho trẻ vùng sâu

Thầy Phan Khánh Duy - giáo viên ở Bạc Liêu - quan niệm trong những giờ lên lớp, thầy phải vừa là nhà khoa học, nhà sư phạm, nhà tâm lý, vừa là thầy vừa là bạn của học trò.
Chuyện về thầy giáo nối dài ước mơ cho trẻ vùng sâu ảnh 1Thầy Phan Khánh Duy (ngoài cùng bên trái), giáo viên Trường THCS Nguyễn Du nhận giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu lần thứ VI. (Nguồn: Baclieu.gov.vn)

Thầy giáo Phan Khánh Duy (thuộc Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) là một giáo viên yêu nghề, say nghề và trách nhiệm. Tài năng, tâm huyết của thầy không chỉ được khẳng định ở nhiều giải thưởng cao mà còn được mọi người yêu mến.

Chúng tôi tìm đến trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, nơi thầy giáo Phan Khánh Duy đang công tác. Ấn tượng đầu tiên khi gặp thầy chính là sự năng động, gần gũi.

Năm 2008, cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, Phan Khánh Duy nắn nót từng con chữ trong hồ sơ xin việc với mong muốn được công tác tại chính mảnh đất nơi mình đã sinh ra.

Thời gian qua nhanh, đến nay tròn 11 năm, thầy Duy đã và đang “nối dài” ước mơ cho bao thế hệ trẻ vùng sâu nơi đây.

Nhớ lại những năm đầu đứng lớp, thầy Duy chia sẻ: "Những năm đầu khi mới ra trường, tôi chỉ tập trung nhiều vào việc dạy kiến thức cho học sinh, giúp các em có thể hiểu bài. Thế nhưng, trên thực tế, tôi dạy rất nhiệt tình nhưng kết quả học tập của học sinh chưa cao. Một số học sinh còn tỏ ra không hứng thú khi học bộ môn này. Nhận thức rõ thực trạng của việc dạy và học môn Tin học trong nhà trường, tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để chất lượng dạy và học đi lên, làm thế nào để các em có sự say mê đối với môn học?."

Từ những suy nghĩ đó, trong quá trình giảng dạy, thầy Duy khuyến khích học sinh tự đặt câu hỏi rồi tự tìm câu trả lời và giáo viên sẽ là người thẩm định, định hướng, bổ sung, mở rộng. Thầy luôn tạo điều kiện tối đa cho các em phát huy sự sáng tạo trong mỗi bài học, từ đó phát hiện ra những học sinh giỏi để lưu tâm, bồi dưỡng.

Thầy Duy quan niệm trong những giờ lên lớp, thầy phải vừa là nhà khoa học, nhà sư phạm, nhà tâm lý, vừa là thầy vừa là bạn của học trò. Bản thân thầy đã từng bước vượt qua nhiều khó khăn để đưa bộ môn Tin học ra thí điểm đầu tiên bằng cách viết phần mềm, nhập dữ liệu...

Sau những vất vả, thành quả phần mềm trắc nghiệm mang tên “Ai thông minh hơn” do thầy Duy chủ nhiệm đoạt giải nhất Cuộc thi Đồ dùng dạy học của tỉnh Bạc Liêu lần thứ III năm 2012-2013 và đoạt giải ba của Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu lần thứ V (2013-2014).

[Trung ương Đoàn vinh danh 75 "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" toàn quốc]

Tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu lần thứ VI, kế thừa những thành công có được, thầy Duy tiếp tục thực hiện Gameshow Olympic Tin học 6 và đoạt giải khuyến khích.

"Khi bắt tay vào việc viết những đề tài, tôi gặp rất nhiều khó khăn do hạn chế về kiến thức lập trình, mình phải nhờ đến thầy cô giáo cũ chỉ dẫn thêm về kiến thức chuyên môn để viết chương trình hiệu quả hơn. Thời điểm đó, tôi có một số bạn quen đang theo học thạc sỹ chuyên ngành Tin học ở Cần Thơ, tôi tranh thủ nhờ các bạn hướng dẫn thêm về phần mềm, hỗ trợ về cách viết hoàn thiện đề tài và mất thời gian cũng khá lâu để hiện thực hóa nghiên cứu của mình,” thầy Duy chia sẻ.

Không chỉ bản thân đam mê nghiên cứu khoa học, thầy Duy còn tích cực đưa học sinh của mình đến chân trời của những ước mơ. Mỗi giờ lên lớp giảng dạy, thầy Duy đều lồng ghép ý tưởng sáng tạo về những gì đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, đưa ra một số câu hỏi mở rộng, khơi gợi để giúp học sinh hình dung thêm ý tưởng sáng tạo thiết thực nhằm phục vụ đời sống.

Tuy nhiên, cái khó trong những bước đầu tiên là làm cách nào dẫn dắt các em hiểu rõ bản chất của nghiên cứu khoa học, giải thích cho các em hiểu ý tưởng sáng tạo không phải là cái gì đó quá lớn lao, bởi thực tế có nhiều học sinh vốn giàu ý tưởng nhưng bản thân không nhận ra thế mạnh của mình và chính người thầy sẽ là người nhận biết và định hướng.

Em Phan Kim Xuyến, học sinh lớp 9A năm học 2018-2019 cho biết những ngày đầu mới vào trường, thầy đã khơi gợi niềm đam mê và hứng thú của em dành cho sáng tạo khoa học. Từ bài giảng đến câu chuyện xoay quanh cuộc sống thầy đều chia sẻ, dạy bảo, định hướng cho các em có thêm niềm tin sáng tạo. Lớp học của thầy không căng thẳng, thầy không đòi hỏi học sinh phải đạt thành tích cao, chỉ cần làm tất cả bản thân mình có thể là được.

Không chỉ em Xuyến mà nhiều học sinh khác của thầy Duy dường như quá quen với việc thầy nán lại trong phòng thực hành bộ môn Tin học để giải thích mọi thắc mắc của các em khi gặp khó khăn trong nghiên cứu khoa học. Thành thông lệ, mỗi khi học sinh nào có ý tưởng, các em liền tìm đến thầy để chia sẻ, thầy đều ghi lại. Ý tưởng nào tốt, có khả năng triển khai, chắc chắn sẽ được thầy hỗ trợ, hướng dẫn hết mình để ý tưởng đó thành sản phẩm sáng tạo hữu ích cho cuộc sống.

Trong số các sản phẩm thầy Duy hướng dẫn, dự án “Game học tập bộ môn Lịch sử 6-Cội nguồn Việt” (phiên bản 2) của nhóm tác giả Trần Phước Đại và Trần Thị Ngọc Lan có tính ứng dụng cao bởi ngoài việc áp dụng cho bộ môn Lịch sử vẫn có thể sử dụng trong bộ môn Địa lý, Văn học với nhiều thông tin bổ ích về nhân vật, sự kiện, vị trí địa lý Việt Nam...

Hiện tại, nhiều trường Trung học Cơ sở trong tỉnh đã đặt vấn đề liên hệ sử dụng nhằm tạo hứng thú cho học sinh trong học tập. Dự án này đã đoạt giải nhì cấp tỉnh (không có giải nhất) trong Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ II năm 2016; đoạt giải ba tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2016 và là giải cao đầu tiên của tỉnh thuộc lĩnh vực phần mềm tin học.

Năm 2017, đề tài “Game học tập Toán-Tiếng Việt cho bé từ 4 đến 6 tuổi” cũng của nhóm tác giả Trần Phước Đại và Trần Thị Ngọc Lan (học sinh lớp 9A năm học 2016-2017) đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chọn tham dự Kỳ thi Học sinh Trung học với nghiên cứu khoa học cấp quốc gia và đoạt giải khuyến khích.

Cũng trong năm 2017, thầy tiếp tục hướng dẫn học sinh viết bài thi “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn trong cuộc sống” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động với đề tài “Tìm hiểu về sự hình thành và phát triển vùng đất mang tên gọi Bạc Liêu” đoạt giải nhất cấp huyện, giải ba cấp tỉnh và giải ba toàn quốc cùng với nhiều giải thưởng khác...

Không gì hạnh phúc hơn trong cuộc đời làm nghề được thấy các thế hệ học trò cùng đam mê với mình để rồi các em đã và đang viết tiếp ước mơ đó, với cách nghĩ và hành động như thế. Đến nay, thầy Duy đã trợ giúp cho hơn 10 học sinh tham gia nghiên cứu khoa học với tổng số giải thưởng là 25 giải cấp huyện, 16 giải cấp tỉnh, 3 cấp quốc gia với các cuộc thi như Tin học trẻ, Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng, Học sinh Trung học với nghiên cứu khoa học, Vận dụng kiến thức liên môn đễ giải quyết tình huống thực tiễn trong cuộc sống... qua đó, thúc đẩy phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” trong nhà trường.

Bên cạnh công tác giảng dạy, thầy Duy còn đảm nhiệm vai trò là Bí thư Chi đoàn trường. Thầy luôn đi đầu trong việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 06 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và phát động phong trào gắn kết với các cuộc vận động “Hai không," “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo," “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực," từ đó làm thay đổi đáng kể các hoạt động của chi đoàn, từng bước khắc phục được những hạn chế, tồn tại.

Nhận xét về đồng nghiệp, thầy Huỳnh Thanh Nhàn, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Du khẳng định trong công tác chuyên môn, thầy Duy rất tâm huyết với nghề, luôn cuốn hút học sinh bằng việc đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng sự tương tác giữa thầy và trò để giúp học sinh dễ nắm bắt hơn. Trong nghiên cứu khoa học, thầy đã tận tình hướng dẫn và đồng hành với niềm đam mê sáng tạo khoa học của nhiều thế hệ học sinh. Nhiều năm liền, thầy Duy và học trò đã mang về vinh dự cho trường.

Với 11 năm công tác trong ngành giáo dục, hoạt động trong Đoàn Thanh niên, 5 năm đứng trong đội ngũ của Đảng, dù ở cương vị nào, thầy Duy cũng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được tập thể cán bộ, giáo viên và các học sinh kính trọng, yêu mến. Những cố gắng, nỗ lực trong sự nghiệp giáo dục thầy đã được Ủy ban Nhân dân huyện công nhận là Chiến sỹ thi đua cơ sở 5 năm liền; được Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong hai năm học 2015-2016, 2016-2017; được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy học” năm học 2016-2017.

Năm 2018, thầy Duy được Tỉnh ủy Bạc Liêu tuyên dương điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và là một trong 500 cán bộ, đảng viên trẻ được Trung ương Đoàn tuyên dương "Đảng viên trẻ học tập và làm theo lời Bác toàn quốc năm 2019” vào tháng 8/2019, tại Hà Nội.

Chia sẻ niềm vui lớn trong quá trình dạy học của mình, thầy Duy xúc động nói: "Tôi rất vinh dự khi nhận được nhiều giải thưởng trong quá trình dạy học nhưng cao quý hơn là những cố gắng của mình trong chuyên môn, những sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy đã giúp cho học trò tốt hơn, đây mới là phần thưởng lớn nhất. Vì vậy, trong những năm học tiếp theo, tôi luôn quyết tâm giữ 'lửa nghề,' không ngừng học hỏi để có thể thích ứng với mọi thứ thay đổi trong thời đại công nghệ 4.0"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục