Cơ bản hoàn thành chi trả bồi thường sự cố 4 tỉnh miền Trung

Tính đến ngày 4/10, các tỉnh đã thanh toán chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân là 6.193 tỷ đồng (đạt 97,4% số tiền thiệt hại và bằng 94,1% so với số tiền tạm cấp).
Cơ bản hoàn thành chi trả bồi thường sự cố 4 tỉnh miền Trung ảnh 1Ngư dân xã biển Đức Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cùng lực lượng biên phòng thu gom, chôn lấp cá chết dạt vào bờ. (Ảnh: Võ Dung/TTXVN)

Ngày 17/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường lần thứ 10.

Theo báo cáo, về kết quả chi trả bồi thường thiệt hại, tính đến ngày 4/10, các tỉnh đã thanh toán chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân là 6.193 tỷ đồng (đạt 97,4% số tiền thiệt hại và bằng 94,1% so với số tiền tạm cấp).

Hiện nay các tỉnh chưa hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường (còn lại gần 3% của tổng giá trị thiệt hại 6.359 tỷ đồng) do người dân là đối tượng được bồi thường hỗ trợ không có mặt tại địa phương, đi lao động ở nước ngoài, đi làm việc trên các tàu khai thác xa bờ ở địa phương khác và do một số đối tượng còn khiếu nại chờ giải quyết.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thẩm định, tổng hợp, xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của 4 tỉnh với tổng số tiền hơn 888 tỷ đồng (hỗ trợ học phí trung cấp, cao đẳng cho 35.936 đối tượng, kinh phí 573,358 tỷ đồng; hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi nghề: 126,291 tỷ đồng; hỗ trợ 12.820 người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, kinh phí là 189,12 tỷ đồng) gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, tạm cấp kinh phí cho 4 tỉnh để thực hiện.

[Xây hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung]

Thống kê từ ngày 1/6/2016 đến ngày 20/9/2017, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 24.053 người, chủ yếu tại Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản, tập trung vào các ngành nghề: thuyền viên tàu cá, sản xuất chế tạo trong ngành công nghiệp và làm công việc thuộc lĩnh vực dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong các trung tâm dưỡng lão và hộ gia đình.

Các địa phương đã tổ chức các khóa đào tạo nghề cho lao động vùng biển như: Quảng Trị (29 lớp với 827 người tham gia), Thừa Thiên - Huế (2 lớp với 107 người tham gia) để hỗ trợ người lao động tại các xã bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển chuyển đổi nghề nghiệp bằng nguồn kinh phí của chương trình giảm nghèo và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc đảm bảo bồi thường hỗ trợ cho người dân 4 tỉnh miền Trung, khắc phục hậu quả sự cố môi trường, đảm bảo an toàn trật tự ở địa phương.

"Việc bồi thường thiệt hại cho người dân đã cơ bản hoàn thành, số bồi thường còn lại cần đẩy nhanh các biện pháp để hoàn thành. Hết tháng 11, các cơ quan chức năng đảm bảo hoàn thành việc bồi thường chi trả cho người dân, đảm bảo đúng quy định, khách quan, chính xác," Phó Thủ tướng nêu rõ.

Bên cạnh bồi thường thiệt hại, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc dành kinh phí để đầu tư cho sinh kế lâu dài của người dân như đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi nghề, xóa đói, giảm nghèo; tái tạo môi trường biển; đầu tư cơ sở hạ tầng cho nghề biển; ứng phó biến đổi khí hậu...

Bên cạnh đó, tiếp tục đảm bảo an ninh trật tự, tăng cường vận động người dân, cộng đồng tôn giáo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; xử lý nghiêm những hành vi kích động, lợi dụng gây rối.

Trong thời gian tới, các địa phương tập trung bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các đối tượng còn tồn đọng; các bộ, ngành tăng cường hướng dẫn các tỉnh lập danh mục các dự án theo thứ tự ưu tiên, nhu cầu kinh phí đối với các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá ven biển phục vụ hoạt động sản xuất thủy sản tại 4 tỉnh miền Trung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục