Ngày 10/2, Tập đoàn nước giải khát Coca-Cola thông báo đặt mục tiêu đến năm 2030, 25% sản phẩm bao bì trên toàn cầu của hãng là loại có thể tái sử dụng, một phần trong nỗ lực hạn chế tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên thế giới.
Coca-Cola là một trong những đối tượng gây nhiều lo ngại về mặt môi trường cho các nhà đầu tư, khách hàng và các tổ chức bảo vệ môi trường.
[Mỹ là quốc gia "đóng góp" nhiều rác thải nhựa nhất thế giới]
Theo báo cáo thường niên được Break Free from Plastic (Thoát khỏi nhựa) - một liên minh toàn cầu gồm các tổ chức và nhà hoạt động vì môi trường, công bố tháng 10/2021, Coca Cola đứng đầu danh sách các công ty có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới trong 4 năm liên tiếp từ năm 2018 đến 2021.
Liên minh này cho biết khi dọn sạch bãi biển ở 45 quốc gia, họ đã phải dọn dẹp gần 20.000 sản phẩm mang thương hiệu Coca-Cola, nhiều hơn tổng lượng rác nhựa của 2 công ty đứng kế trong danh sách là Pepsi Co và Unilever PLC cộng lại.
Trong năm 2020, 16% sản phẩm bao bì của hãng có thể tái sử dụng. Trong năm đó, hãng đã thu thập 90% chai nhựa và chai thủy tinh có thể tái sử dụng.
Tháng 1 vừa qua, Coca-Cola cùng với PepsiCo và các thương hiệu quốc tế khác đã kêu gọi thiết lập một hiệp ước toàn cầu nhằm giảm sản lượng nhựa, nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên thế giới./.