Công bố Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động VN

Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đã công bố danh sách Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI gồm 172 ủy viên.
Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 29/7, Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đã công bố danh sách Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI.

Đại hội đã công bố danh sách 172 Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động khóa XI. Chiều tối 29/7, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI sẽ tổ chức Hội nghị lần thứ nhất bầu Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ủy ban Kiểm tra và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI.

Ngày mai 30/7, Đại hội công bố kết quả bầu Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ủy ban Kiểm tra và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI và tiến hành phiên bế mạc.

Cũng trong phiên họp ngày 29/7, các đại biểu của Đại hội đã thảo luận tại tổ góp ý kiến về một số nội dung: chỉ tiêu phấn đấu nhiệm kỳ 2013- 2018; dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI xác định một số chỉ tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ 2013-2018 là: Phấn đấu đến hết năm 2018 cả nước có 10 triệu đoàn viên; 100% số cán bộ công đoàn chuyên trách, 70% trở lên số cán bộ công đoàn không chuyên trách được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về lý luận, nghiệp vụ công tác công đoàn; bảo đảm nguồn kinh phí chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn.

100% các đoàn điều tra tai nạn lao động chết người có đại diện công đoàn tham gia; phấn đấu trong các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn mỗi tổ sản xuất bình quân có 1 an toàn vệ sinh viên.

Hàng năm có 80% trở lên số công đoàn cơ sở ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước và 40% trở lên số công đoàn cơ sở ở khu vực ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt tiêu chuẩn “Công đoàn cơ sở vững mạnh.”

Bình quân hàng năm mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu ít nhất 1 đoàn viên công đoàn ưu tú cho tổ chức Đảng bồi dưỡng, xem xét kết nạp vào Đảng. 100% số Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật hoặc Văn phòng tư vấn pháp luật hoặc tổ tư vấn pháp luật.

Hàng năm có 95% trở lên số cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức; 95% trở lên số doanh nghiệp nhà nước và 50% trở lên số công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn tổ chức Hội nghị người lao động.

100% số doanh nghiệp nhà nước, 65% trở lên số doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tổ chức công đoàn có thỏa ước lao động tập thể. Hàng năm có 80% trở lên số đoàn viên và người lao động nơi có tổ chức công đoàn được học tập, tuyên truyền, phổ biến các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết của Công đoàn; vận động từ 60% trở lên số đoàn viên và người lao động nơi có tổ chức công đoàn học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp…..

Bốn chương trình hành động được Đại hội XI Công đoàn Việt xác định là: “Phát triển đoàn viên giai đoạn 2013-2018;” “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn;” “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thoả ước lao động tập thể;” “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động.”

Thảo luận tại tổ, các đại biểu cơ bản nhất trí với chỉ tiêu phấn đấu Đại hội đề ra. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần điều chỉnh một số chỉ tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế như: chỉ tiêu bình quân hàng năm mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu ít nhất 1 đoàn viên công đoàn ưu tú cho tổ chức Đảng bồi dưỡng, xem xét kết nạp Đảng; 50% trở lên số Công ty Cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn tổ chức Hội nghị người lao động; 65% trở lên số doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tổ chức công đoàn có thỏa ước lao động.

Các đại biểu đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần chủ động tham mưu với Nhà nước, Chính phủ tạo cơ chế yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện chỉ tiêu đề ra.

Thảo luận vào dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn đã đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong tổ chức và hoạt động công đoàn các cấp, trên cơ sở đó phân công, phân cấp hợp lý cho từng cấp.

Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung những vấn đề phù hợp với tình hình mới nhằm giải quyết vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn và quán triệt những nhiệm vụ mới được quy định trong Luật Công đoàn năm 2012. Các quy định của Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam tăng cường trách nhiệm của công đoàn các cấp, nhất là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo quy định của Luật Công đoàn; đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ và trách nhiệm người đứng đầu Đoàn Chủ tịch ( Ban Thường vụ), Ban Chấp hành công đoàn các cấp./.

Khiếu Tư (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục