Công ty khai khoáng ở Yên Bái 'biến' ruộng lúa thành đồng hoang

Vệc công ty Minh Đức ở Yên Bái mua đất ruộng cấy lúa nước của người dân xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên thông qua một hộ gia đình rồi lại để hoang hóa là không đúng quy định.
Công ty khai khoáng ở Yên Bái 'biến' ruộng lúa thành đồng hoang ảnh 1Ruộng lúa của người dân thôn Yên Ninh, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã biến thành đồng hoang. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Trận mưa lũ kinh hoàng ngày 20/7/2018 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân ở nhiều địa phương của tỉnh Yên Bái. Đến nay, về cơ bản, người dân đã ổn định cuộc sống sản xuất hằng ngày. Tuy vậy, vẫn còn có những hộ dân ở thôn Yên Ninh và thôn Khang Chính, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên thấp thỏm, lo âu do ruộng, ao bị đất đá vùi lấp. 

Theo họ, "kêu trời trời chẳng thấu," kêu đến thôn, xã thì không được giúp đỡ, còn kêu lên doanh nghiệp Minh Đức có liên quan thì không được quan tâm đúng mức.

Đi dọc cánh đồng hoang

Dọc theo chân những quả đồi phía dưới đỉnh núi của nhà máy tuyển quặng sắt tại xã Hưng Thịnh, chúng tôi lặn lội theo dòng nước chừng hơn nửa cây số với những ruộng lúa, ao cá của người dân bị vùi lấp bởi đất đá từ trên đồi chảy về, tạo thành cánh đồng hoang hóa.

Nhiều hộ dân ở đây đứng ngồi không yên bởi có ruộng mà không thể cấy lúa, có ao mà không thể nuôi cá.

Ông Hoàng Văn Nhuận, dân tộc Tày, trú ở thôn Yên Ninh, cho biết: "Nhiều đời nay, gia đình chúng tôi sinh sống ở đất này và cũng chứng kiến không ít cảnh mưa lũ gây thiệt hại nặng như nước lũ về làm vỡ bờ ao mất cá; ruộng lúa bị lũ chảy qua phải vớt hoặc cấy dặm lại.. nhưng chưa bao giờ, ruộng và ao bị đất đá vùi lấp nhiều như hiện nay."

Chỉ tay vào ao cá, ruộng lúa nhà mình với ngổn ngang đất đá không còn canh tác được nữa, ông Nhuận cho rằng: "Nhà máy tuyển quặng sắt của Công ty cổ phần khai khoáng Minh Đức để cho đất đá trôi về mới gây thiệt hại nặng nề đến thế."

Ông Nhuận cho biết toàn bộ số diện tích ruộng lúa, ao cá của gia đình ông được công ty Minh Đức đền bù bằng sản lượng của vụ mùa cấy lúa nước, còn vụ chiêm này thì công ty chưa đền bù.

Hiện nay, mong muốn của gia đình ông Nhuận cùng nhiều hộ khác là Công ty Minh Đức sớm khôi phục diện tích đất canh tác nông nghiệp để gia đình họ sớm ổn định sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Đạt, trú ở thôn Khang Chính, than vãn: "Sau chiến tranh biên giới tháng 2 năm 1979, gia đình tôi chuyển về đây đã 40 năm nay, chưa năm nào ruộng lúa và ao cá của gia đình chúng tôi bị ngập nước. Chỉ khi công ty Minh Đức về khai thác thì đất đá mới ồ ạt trôi về vùi lấp hết cả ruộng lúa. Bây giờ, diện tích đó không thể canh tác được nữa, vậy mà công ty cũng chỉ bồi thường cho chúng tôi đúng một vụ với mức 180kg/sào, sau đó họ hỏi mua ruộng nhưng chúng tôi không bán. Từ đó đến nay, ruộng của chúng tôi phải bỏ hoang. Thử hỏi chúng tôi sống bằng gì?."

Ông Đinh Văn Hương, trú ở thuộc thôn Khang Chính, bức xúc tố cáo về việc từ khi nhà máy đi vào hoạt động, nguồn nước bị cạn kiệt, nước giếng nhà ông bị ô nhiễm nặng, không dùng được, gần một mẫu ao cá đã bị đất đá vùi lấp... Gia đình ông cùng với một số hộ khác nộp đơn lên xã, xã bảo phải có chữ ký của trưởng thôn. Khi họ về xin chữ ký của trưởng thôn, trưởng thôn không xác nhận.

[‘Ma trận vàng đen’: Tỉnh và Bộ vào cuộc, ngành than ‘lặng thinh’?]

Cực chẳng đã, ông mới gửi đơn cho các cơ quan báo chí và gửi đích danh Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trấn Yên và đang chờ hồi âm.

Theo quan sát của chúng tôi, những kiến nghị của người dân đều có cơ sở. Ruộng lúa, ao cá của trên 20 hộ ở các thôn Yên Ninh, Khang Chính hiện đang bị bỏ hoang do đất đá vùi lấp. Điều đáng lưu ý là lũ, bão đã qua gần một năm, suốt thời gian đó đời sống của người dân nơi đây bị đảo lộn, tâm trạng đầy bức xúc mà chính quyền địa phương không quan tâm giải quyết.

Bao giờ chính quyền mới vào cuộc?

Khi phóng viên làm việc với Nhà máy tuyển quặng Núi 300, một người đàn ông xưng tên Dũng, tự giới thiệu là người quản lý tại nhà máy này, nói: “Tôi đơn thuần chỉ quản lý về mảng khai thác, chế biến nên không được phép phát ngôn."

Ông này cũng không cho phép các phóng viên quay phim, chụp ảnh và phải chờ người có trách nhiệm cung cấp thông tin.

Sau đó, các phóng viên nhận được một cuộc điện thoại gọi từ Lào Cai. Người gọi điện thoại tự xưng tên Long và là lãnh đạo của Công ty Minh Đức. Ông này "phỏng vấn ngược" phóng viên: “Các anh về Hưng Thịnh xui dân đừng bán ruộng lúa cho công ty Minh Đức có phải không?."

Công ty khai khoáng ở Yên Bái 'biến' ruộng lúa thành đồng hoang ảnh 2Hồ chứa thải của Công ty Cổ phần Khai khoáng Minh Đức tại xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hưng Thịnh, ông Nguyễn Gia Hồng, cho biết Công ty Minh Đức đã lách luật bằng cách nhờ một hộ dân trong thôn đứng tên để mua gom số ruộng lúa bị đất đá vùi lấp sau mưa lũ.

Cũng theo ông Hồng, việc hộ dân trong thôn đứng ra giao dịch trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất ruộng là đúng luật nên chính quyền không thể can thiệp được.

Khi phóng viên hỏi về việc người dân yêu cầu Công ty Minh Đức khôi phục lại diện tích lúa, ao cá đã bị vùi lấp để họ canh tác thì vị này trả lời rằng đây là điều "bất khả thi."

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Chiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trấn Yên, cho biết cách đây khoảng một tuần, ông đã tiếp xúc với các cử tri tại xã Hưng Thịnh nhưng không thấy người dân nêu ra vấn đề đền bù hay vớt đất đá ra khỏi ruộng lúa. Bản thân ông cũng không được chính quyền xã báo cáo về vụ việc này.

Sau khi trao đổi với ông Nguyễn Đức Mầu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, ông Chiến hứa với các phóng viên sẽ có câu trả lời trong vòng một tuần.

Công ty Minh Đức mua ruộng để làm gì?

Phần lớn diện tích đất lúa của nông dân ở hai thôn Yên Ninh và thôn Khang Chính đã được Công ty Minh Đức lách luật để mua đứt nhưng sau đó lại bỏ hoang.

Còn một số ít hộ do thiếu ruộng nên không đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất sản xuất mà yêu cầu công ty phục hồi nguyên trạng diện tích ruộng lúa, ao cá thì đến nay chưa được giải quyết.

Theo quan sát của chúng tôi, tình trạng ruộng lúa, ao cá bị đất đá vùi lấp ở hai thôn nói trên đều có thể khôi phục được.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng một khi doanh nghiệp còn tiếp tục công việc khai khoáng thì tình trạng đất đá vùi lấp ruộng, ao lại xảy ra sau mỗi trận mưa. Doanh nghiệp Minh Đức sẽ có lợi hơn nếu chuyển đổi mục sử dụng đất, biến ruộng lúa thành đất phục vụ khai thác khoáng sản dù số ruộng này không nằm trong phạm vi đền bù để khai khoáng.

Công ty khai khoáng ở Yên Bái 'biến' ruộng lúa thành đồng hoang ảnh 3Hồ chứa thải của Công ty Cổ phần Khai khoáng Minh Đức tại xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Theo tìm hiểu của phóng viên, quy định tại khoản 3, Điều 5, Chương 2, Nghị định 42/2012/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 11/05/2012 “Về quản lý, sử dụng đất trồng lúa” ghi rõ: “Thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước: Trường hợp chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép trước khi Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất."

Như vậy, việc công ty Minh Đức đã mua đất ruộng cấy lúa nước của người dân Hưng Thịnh thông qua một hộ gia đình rồi lại để hoang hóa là không đúng quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục