Cuộc gặp Triều Tiên-Mỹ và sự im lặng khó hiểu của Bình Nhưỡng

Kể từ khi Tổng thống Mỹ chấp thuận lời mời gặp ông Kim Jong-un, Triều Tiên duy trì thái độ im lặng và mãi cho tới ngày 15/3, động thái ngoại giao đáng chú ý đầu tiên của Bình Nhưỡng mới xuất hiện.
Cuộc gặp Triều Tiên-Mỹ và sự im lặng khó hiểu của Bình Nhưỡng ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: AFP/TTXVN)

CNN cho biết đã một tuần trôi qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến cả thế giới bất ngờ khi chấp thuận lời mời gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, Triều Tiên duy trì thái độ im lặng đối với vấn đề này. Mãi cho tới ngày 15/3, động thái ngoại giao đáng chú ý đầu tiên của Bình Nhưỡng mới xuất hiện, khi giới chức Thụy Điển thông báo Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho đang trên đường tới nước này, thực hiện chuyến thăm kéo dài hai ngày. Tại đây, ông Ri sẽ gặp người đồng cấp nước chủ nhà để thảo luận về tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.

[Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên xuất hiện tại sân bay quốc tế Bắc Kinh]

Việc Triều Tiên im lặng dường như là điều lạ lùng song không phải là bất thường xét tới cách hành xử trong quá khứ của quốc gia được coi là “ẩn dật” này. Hồi năm 2000, Triều Tiên quyết định mời Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi đó tới Bình Nhưỡng. Lời mời chính thức này được đưa ra vài tháng sau khi Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Madeleine Albright gặp người đồng cấp Triều Tiên bên lề hội nghị cấp cao các quốc gia châu Á vào tháng 7/2000.

Hai bên đã thảo luận về khả năng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il sẽ cử một phái viên tới thủ đô Washington (Mỹ) để chuyển lời mời chính thức tới Tổng thống Clinton.

Trong cuốn sách ''Bà Ngoại trưởng,'' bà Albright viết: “Một lần nữa, Triều Tiên cố tình phản ứng chậm. Không quen với việc tham vấn với một nền dân chủ, họ có thói quen không làm gì trong nhiều tháng, rồi đột nhiên ra quyết định và chờ một lời phúc đáp tức khắc."

Trong khi đó, ông Mike Chinoy, tác giả cuốn ''Sự tan rã: Câu chuyện từ bên trong về khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên,'' cho rằng có khả năng “phái đoàn của Hàn Quốc đã không truyền tải chính xác những gì ông Kim nói với ông Trump.''

Ông Chinoy, cựu trưởng cơ quan thường trú CNN tại Bắc Kinh trong giai đoạn 1987-1995, người đã tới Triều Tiên 17 lần, cảnh báo: “Không nên chắc chắn về cuộc gặp thượng đỉnh trước khi nó thực sự diễn ra."

Tuy nhiên, các nguồn tin ngoại giao nhận xét có thể tin tưởng vào ngôn từ và hành động của phía Hàn Quốc, rằng hầu hết các bên đang thúc đẩy công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, mặc dù cho tới nay thời điểm, địa điểm và thành phần tham dự chính xác chưa được ấn định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục