Cuộc sống ngày mưa lũ trên vùng rốn nước của Thủ đô Hà Nội

Các cánh đồng ngập trắng nước. Xa xa là những ngôi nhà, công trình bị nước nhấn chìm đến ngang nửa. Vài người dân dong thuyền rải lưới đánh cá ngay trên đồng, trên đường.
Cuộc sống ngày mưa lũ trên vùng rốn nước của Thủ đô Hà Nội ảnh 1Nhiều khu vực dân cư sinh sống nước đã ngập sâu, có nơi ngập hơn 1 mét. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Do ảnh hưởng của áp thấp, những ngày qua trên địa bàn huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã có mưa lớn, trung bình trên 300 mm.

Trong khi đó, lại là huyện giáp ranh với tỉnh Hòa Bình, gần như bốn phía là núi nên khi mưa lớn kéo dài, huyện Mỹ Đức như rốn đựng nước và là một trong những địa phương bị ngập nặng trên địa bàn thành phố Hà Nội, toàn bộ hoa màu vụ Đông gần như mất trắng.

Ngày 12/10, đi dọc tuyến đường Quốc lộ 21 dẫn về các xã Hợp Tiến, Hồng Sơn, thị trấn Đại Nghĩa (Mỹ Đức) các cánh đồng đều ngập trắng nước.

Xa xa là những ngôi nhà, công trình bị nước nhấn chìm đến ngang nửa. Vài người dân dong thuyền rải lưới đánh cá ngay trên đồng, trên đường.

Theo thống kê của huyện Mỹ Đức, mưa lũ đã làm cho 1.100m đê bị tràn nước, (thuộc các tuyến đê Mỹ Hà, đê hồ Quan Sơn, đê hồ Vĩnh An, đê vùng 700).

Khi nước tràn, huyện Mỹ Đức đã tiến hành di dời 595 hộ ra khỏi vùng nguy hiểm. Hiện nước ở một số nơi chưa rút, khiến cho khoảng 1.700ha diện tích cây vụ đông và 850ha thủy sản bị ngập trắng; gia cầm bị chết khoảng 13.500 con. Lũ rừng ngang Hòa Bình đổ về làm sạt lở 8m đường tỉnh lộ 424 (giáp nghĩa trang liệt sỹ xã Hợp Tiến).

Để đối phó với mưa lũ, huyện Mỹ Đức đã huy động trên 1.000 người, sử dụng khoảng 9.000 bao tải, khối lượng khoảng 500m3 cát để chống tràn ở vị trí xung yếu.

Ông Đặng Minh Đức, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hồng Sơn cho biết, địa bàn xã có 5 km đê hồ Quan Sơn, trong đó có 2km chưa được kè bằng bêtông kiên cố.

Tại khu vực chưa được kè đã xảy ra hiện tượng rò rì ở thân đê. Để đối phó ngăn chặn hiện tượng trên, đêm 11/10 xã Hồng Sơn đã phải dùng kẻng báo động để huy động người dân ra giữ đê.

5.000 bao tải cát đã được xã đắp thành một bờ dài khoảng 300​m ở 3 điểm trên thân đê để ngăn nước. Hiện tại các khu vực xung yếu đã cơ bản được an toàn.

Đến trưa 12/10, nước hồ Quan Sơn khu vực xã Hồng Sơn là 6,8m, nước đã mấp mé mặt đê. Với mực nước cao, nếu đê hồ Quan Sơn vỡ có thể gây thiệt hại nặng nề cho cả một vùng rộng lớn.

Lo ngại nguy cơ vỡ đê, ông Đặng Minh Đức kiến nghị huyện Mỹ Đức, cùng các ngành liên quan của thành phố sớm đầu tư nâng cấp đoạn đê kể trên để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân mỗi khi mùa mưa bão đến.

[Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo khắc phục vụ sạt lở đê ở Chương Mỹ]

Tại xã Hợp Tiến, nước lũ đã làm cho nhiều nhà dân bị ngập, xã đã phải di chuyển gần 200 người đến nơi an toàn; di chuyển 10.000 gia súc gia cầm; hơn 350ha đậu tương bị ngập khó có khả năng sống sót, nhiều diện tích ao hồ nuôi cá bị thiệt hại.

Ngoài ra, nước lũ còn làm hư hỏng đường liên thôn khu vực cầu Dậm. Để ngăn chặn các phương tiện đi lại vào khu vực tuyến đường trên có thể gây nguy hiểm, xã Hợp Tiến đã cho dựng biển cảnh báo phía đầu cầu Dậm.

Sống cạnh khu vực cầu Dậm, bà Nguyễn Thị Lơ ở thôn Viên Khê cho biết, từ năm 2008 đến giờ mới có đợt lũ hồ Quan Sơn lớn như vậy, chỉ trong 3 tiếng nước đã tràn vào ngang nhà.

Do được chính quyền và bà con giúp đỡ sơ tán nên không có thiệt hại về tài sản. Hiện nước đã rút, bà Lơ cùng người thân đang tích cực quét dọn nhà cửa để ổn định cuộc sống.

Dù không còn tình trạng ngập nước trong nhà nhưng bà Lơ vẫn bày tỏ lo lắng: "Chúng tôi ở cạnh hồ Quan Sơn rất thấp thỏm, nhiều khi nước từ rừng ngang đổ xuống hồ kiến nước dâng tràn vào nhà. Mong mỏi của người dân ở đây là chính quyền gia cố tuyến bờ hồ cao hơn, để hạn chế nước tràn vào đường vào nhà mỗi khi mưa lớn."

Để đối phó với mưa lũ gây ra trên địa bàn, huyện Mỹ Đức đã vận hành 11 trạm bơm tiêu úng với 37 máy hoạt động, tổng công suất 130.400 m3/giờ. Đồng thời, chỉ đạo ban Chỉ huy phòng chống thiên tại cấp huyện, các xã, thị trấn đang tiếp tục ứng trực 24/24 để theo dõi sát diễn biến của thời tiết để kịp thời đối phó.

Về lâu dài, ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức kiến ghị với thành phố hỗ trợ kinh phí để nâng cấp đoạn đê hồ Quan Sơn đoạn từ đường vào Quán Sơn đến giáp địa phận tỉnh Hòa Bình, chiều dài khoảng 300m.

Thị sát nhiều đoạn đê hồ Quan Sơn vào trưa 12/10, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội ghi nhận trên tuyến đê bao hồ có nhiều vị trí xung yếu, có thể gây thiệt hại tới tài sản, tính mạng của người dân nếu không may bị vỡ.

Trước thực trạng này, ông Chu Phú Mỹ cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội để lập kế hoạch sửa chữa một số vị trí đê hồ Quan Sơn. Với quy trình, đầu tư sửa chữa hiện nay có thể đến năm 2018 đê hồ Quan Sơn cơ bản được cứng hóa, ông Chu Phú Mỹ nói.

Từ năm 2008 đến nay Mỹ Đức lại phải hứng chịu cảnh mưa lớn ngập lụt lớn như vậy. Nhưng không như các địa phương lân cận, chỉ đơn thuần là úng trong đồng, ở Mỹ Đức là rốn nước nên nước chảy từ huyện Chương Mỹ ra và các khu rừng của tỉnh Hòa Bình về gây nhiều thiệt hại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục