Đại biểu Quốc hội ghi nhận những đóng góp của ngành giáo dục

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần nhìn nhận tổng thể những thành tựu và hạn chế của ngành Giáo dục để có đánh giá đúng mực, khách quan.
Đại biểu Quốc hội ghi nhận những đóng góp của ngành giáo dục ảnh 1Tiết học ôn tập tại trường Trung học Phổ thông A Duy Tiên, huyện Duy Tiên, Hà Nam. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)

Trước nhiều vấn đề “nóng” của ngành Giáo dục thời gian vừa qua như: Gian lận thi cử, bạo lực học đường…, gây bức xúc dư luận, trao đổi bên lề kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần nhìn nhận tổng thể những thành tựu và hạn chế của ngành để có đánh giá đúng mực, khách quan. Từ đó, biểu dương những nỗ lực, kết quả đã đạt được và tìm giải pháp để khắc phục những tiêu cực còn tồn tại.

Không nên phủ nhận thành tựu của ngành Giáo dục

Ông Mai Sỹ Diến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho rằng chúng ta phải nhìn tổng thể để thấy được cả mặt tích cực và tồn tại của ngành Giáo dục. Những đóng góp, thành tựu của ngành trong các năm qua là không thể phủ nhận. Vì vậy, không thể lấy một số vấn đề cục bộ để cho rằng giáo dục hiện nay toàn gam màu tối. Cách đánh giá, nhìn nhận như thế là không khách quan, khiên cưỡng, thiếu công bằng.

Thành tích đáng biểu dương nhất của ngành Giáo dục, theo ông Mai Sỹ Diến, chính là việc đổi mới thi cử. Hình thức thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, thi đại học như trước đây có chung mục tiêu như Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia hiện nay là nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh, phân loại thí sinh làm căn cứ để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.

[Infographics] Vật dụng được phép mang vào phòng thi lớp 10

Tuy nhiên, cách tổ chức thi trước đây làm cả xã hội, gia đình, người học phải áp lực, tốn kém khi “rồng rắn” đưa nhau lên thành phố, thuê trọ, dự thi nhiều đợt...

Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia hiện nay đã khắc phục được những tồn tại này và vẫn đạt được mục tiêu đánh giá chất lượng học tập, làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Xã hội đã ghi nhận đóng góp tích cực của kỳ thi gọn nhẹ, không áp lực, giảm tốn kém này.

Ngoài ra, thành tích của học sinh Việt Nam tại các cuộc thi ở khu vực, quốc tế; những tấm gương học sinh, giáo viên sẵn sàng hi sinh bản thân để cứu người khác, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn… là thành tựu không thể phủ nhận của ngành Giáo dục.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là những tấm gương trong giáo dục này lại ít được thông tin trong khi một số tiêu cực lại liên tục được nhắc tới trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đề cập đến những tiêu cực trong ngành Giáo dục hiện nay như bạo lực học đường, suy giảm đạo đức trong trường học và gian lận thi cử, đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến nhấn mạnh những vấn đề này có trách nhiệm của nhiều bên liên quan chứ không riêng ngành Giáo dục.

Trong câu chuyện bạo lực học đường, hành xử không đúng mực giữa học sinh-giáo viên thời gian qua, ông Mai Sỹ Diến cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về  người lớn và các gia đình, tiếp đến là sự suy thoái đạo đức lối sống của một số cán bộ, nhân viên. Ngành Giáo dục có trách nhiệm trong việc này ở chỗ chưa tạo ra được một chương trình giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, hướng dẫn hành xử cho giáo viên, đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới khi công nghệ thông tin bùng nổ, hội nhập quốc tế cao.

Cần sự chia sẻ và trách nhiệm từ nhiều phía

Trong việc gian lận thi cử, đại biểu Mai Sỹ Diến cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm trong việc để xảy ra lỗ hổng ở quy trình tổ chức thi.

Quy trình tổ chức thi do Bộ đề ra có liên quan đến tính bảo mật, nhưng nếu những người tham gia thực hiện cố tình làm sai một cách có tổ chức, hệ thống thì việc bảo mật cũng không thể đảm bảo được.

[Sai phạm thi THPT ở Sơn La: Điều tra đến đâu xử lý đến đó]

Theo ông Mai Sỹ Diến, những sai phạm mang tính hệ thống, có tổ chức là rất khó phát hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo khi nắm bắt được vấn đề này đã nhanh chóng báo cáo Chính phủ để Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo kịp thời.

Bộ cũng kịp thời vào cuộc cùng với ngành Công an để xác minh sai phạm, đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh.

Song song với đó, ngành Giáo dục đã tập trung làm rõ, tìm ra nguyên nhân, những lỗ hổng trong quy trình tổ chức thi và có các thay đổi cụ thể trong Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm nay.

Phía có trách nhiệm thứ hai trong vụ gian lận thi cử là địa phương - đơn vị trực tiếp tổ chức thi, chấm thi.

Khi chọn lựa cán bộ vào Ban Chỉ đạo thi, làm công tác coi thi, chấm thi…, địa phương đã để một số cán bộ suy thoái đạo đức tham gia đội ngũ này. Dưới tác động từ bên ngoài, có thể là từ đồng tiền, quyền lực, một số cán bộ địa phương đã không giữ được mình, trực tiếp gây ra sai phạm.

Trách nhiệm tiếp theo thuộc về phụ huynh học sinh - những người đã có thể dùng tiền, dùng quyền tác động tới cán bộ làm thi để gian lận điểm thi cho con em. Một số cán bộ Công an tham gia giám sát chấm thi để xảy ra sai phạm cũng có phần trách nhiệm.

Đại biểu Quốc hội ghi nhận những đóng góp của ngành giáo dục ảnh 2 Các thí sinh ra về sau Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại hội đồng thi Trường trung học phổ thông Marie Curie, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)

Đồng quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An), Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, chia sẻ hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thể hiện trách nhiệm trong việc phối hợp, cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng tiến hành các quy trình theo quy định.

Thực tế là muốn đưa ra xử lý thì phải có quá trình điều tra, đủ cơ sở pháp lý mới kết luận vấn đề đó là sai phạm và sai phạm tới đâu, những người nào có sai phạm… Phải có đủ cơ sở để phân định trách nhiệm như vậy thì mới xét xử.

Do đó, khi cơ quan Công an đã có kết luận điều tra, cần công bố thông tin để người dân và cử tri biết còn những việc chưa đủ cơ sở, chưa đủ kết luận hoặc trong quá trình điều tra thì các cơ quan chức năng tiếp tục làm.

Bà Phan Thị Mỹ Dung nhấn mạnh kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương phối hợp thực hiện. Do đó, bên cạnh trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần xem xét trách nhiệm của địa phương, những người trực tiếp tổ chức kỳ thi.

Qua sự việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải lấy đây là bài học, phải có trách nhiệm giải quyết triệt để. Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chức năng đang tập trung điều tra để có kết luận vi phạm rõ ràng, đầy đủ và xử lý nghiêm minh.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông quốc gia năm 2019 đã cận kề. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng đã cam kết trước cử tri cả nước rằng quy trình chấm thi và phần mềm chấm thi đã được sửa đổi, tăng tính bảo mật và có thể phát hiện, ngăn chặn ngay khi có dấu hiệu can thiệp (sửa điểm) vào bất cứ bài thi nào.

Các bài thi trắc nghiệm năm 2019 sẽ không giao các địa phương như trước mà giao các trường đại học chủ trì với hệ thống cameera giám sát 24/24 giờ từ lúc lưu trữ đến khi làm phách và chấm bài.

Bài thi tự luận cũng sẽ được chấm 2 vòng độc lập, các bài điểm cao nhất sẽ được chấm thẩm định.

Hy vọng với sự nhìn nhận rõ các hạn chế kỳ thi năm trước, với tinh thần kiên quyết không dung dưỡng cho các cán bộ thoái hóa biến chất, "kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ, giáo viên có sai phạm" và quan trọng hơn cả là những lỗ hổng của phầm mền chấm thi, quy trình thi cũ đã được sửa đổi lại, dư luận xã hội và các phụ huynh sẽ tạm yên lòng, chia sẻ, nâng đỡ để tạo không khí thoải mái và tin cậy cho hơn một triệu thí sinh sắp bước vào Kỳ thi lớn nhất trong năm đã cận kề./.

Những người có trách nhiệm cũng đã nhận rõ trách nhiệm của mình, những cán bộ, giáo viên, học sinh có vi phạm thì cũng đã bị xử lý và còn tiếp tục bị xử lý; Những giải pháp ngăn chặn tiêu cực đã được lấp đầy - Tin rằng cùng với sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội, một môi trường thi cử nói riêng và  giáo dục  nói chung sẽ ngày càng trở nên trong sạch và đáng tin cậy hơn !     

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục