Đề xuất các giải pháp cải cách giáo dục thích ứng với cách mạng 4.0

Việc ưu tiên phát triển các ngành đào tạo liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học ở bậc đại học là bước đi thiết thực để cung ứng nguồn nhân lực lành nghề và có trình độ cao.
Đề xuất các giải pháp cải cách giáo dục thích ứng với cách mạng 4.0 ảnh 1Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Ngày 2/11, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ), Viện Khoa học và Đổi mới công nghệ (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế “Giáo dục đại học STEM cho phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.”

STEM là chữ viết tắt theo tiếng Anh của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ) Egineering (kỹ thuật) và Math (toán học).

Hội nghị được tổ chức nhằm đề xuất các giải pháp cải cách giáo dục thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Phó Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh theo chiến lược phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/2/2014, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đặt mục tiêu trở thành vùng kinh tế trọng điểm với mức phát triển cao theo kịp các vùng kinh tế dẫn đầu khác của đất nước, hội nhập hiệu quả vào nền kinh tế khu vực và quốc tế.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực có trình độ khoa học công nghệ cao là vô cùng quan trọng. Vì vậy, việc ưu tiên phát triển các ngành đào tạo liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học ở bậc đại học là bước đi thiết thực để cung ứng nguồn nhân lực lành nghề và có trình độ cao.

Theo thống kê, bảy trường đại học và cao đẳng hàng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 90 chuyên ngành đào tạo liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học với gần 60.000 sinh viên đang theo học, cung cấp hơn 9.000 cử nhân, kỹ sư hàng năm. Đây là nguồn nhân lực đa dạng cung ứng cho thị trường lao động trong và ngoài vùng, nhưng vẫn mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ.

Tiến sỹ Lý Thị Minh Châu (Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh) cho biết hiện nay, các ngành công nghệ thông tin, y tế, giáo dục và ngay cả ngành du lịch đều trong "cơn khát" lao động chất lượng cao, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đào tạo theo mô hình giáo dục STEM chính là giải pháp nhằm tạo ra những con người có thể đáp ứng được yêu cầu công việc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì đó là mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, thuật toán... để nâng cao hiệu quả dạy và học, giúp hoạt động dạy và học không bó hẹp trong thời gian lên lớp, trong không gian trường học, trong khung chương trình sách giáo khoa. Theo đó, sinh viên có thể nhận đề tài, tự tìm kiếm thông tin và nghiên cứu tại nhà. Giờ lên lớp sẽ là buổi thảo luận và đưa ra kết luận.

Mô hình STEM còn giúp các trường đại học chủ động được việc đổi mới sáng tạo trong thiết kế chương trình và nội dung giảng dạy, trên cơ sở dựa vào thế mạnh, đặc thù của từng địa phương, thay vì rập khuôn một khung chương trình thống nhất toàn quốc.

[Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa]

Để mô hình STEM phát huy hiệu quả cao nhất, thạc sỹ Đào Phong Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng (Trường Đại học Cần Thơ), cho rằng cần có sự đầu tư hệ thống hoàn chỉnh, nhất quán từ xây dựng chương trình STEM, năng lực đội ngũ giảng dạy, năng lực người học đến cơ sở vật chất-trang thiết bị, liên thông trong hệ thống giáo dục... Theo đó, chương trình phải phù hợp với kinh tế-xã hội-văn hóa của địa phương, giảng viên phải được tham gia đầy đủ các khóa đào tạo về giảng dạy STEM, "đầu vào" của sinh viên phải đồng đều, trang thiết bị giảng dạy hiện đại từ nguồn hỗ trợ của doanh nghiệp và luân phiên sử dụng lẫn nhau giữa các trường đại học…

Bà Trần Thị Yên Định, Giám đốc phụ trách giáo dục của Microsoft, đề xuất cần có sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm tạo ra môi trường giáo dục tốt nhất cho sinh viên. Ví dụ, theo chương trình liên kết giữa Microsoft và các trường đại học, sinh viên sẽ được sử dụng miễn phí hoặc với giá ưu đãi các phần mềm công nghệ mới, được thực tập tại doanh nghiệp và sau khi tốt nghiệp được cam kết tuyển dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục