Đề xuất cơ chế, chính sách nghiên cứu khoa học cho giảng viên trẻ

Để thúc đẩy giảng viên trẻ tham gia nghiên cứu khoa học cần xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển tài sản trí tuệ của đơn vị mình cũng như tiến hành thương mại hóa các nghiên cứu khoa học.
Đề xuất cơ chế, chính sách nghiên cứu khoa học cho giảng viên trẻ ảnh 1Giáo sư-tiến sỹ Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Phan Thị Sáu/TTXVN)

Ngày 21/9, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo đề xuất cơ chế, chính sách nghiên cứu khoa học dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học, với sự tham gia của hơn 100 đại diện đến từ các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.

Theo giáo sư-tiến sỹ Tạ Ngọc Đôn - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo), ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều giảng viên trẻ thành công trong nghiên cứu khoa học.

Nhiều giảng viên trẻ có các công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế trong danh mục ISI/Scopus, là tác giả của các sáng chế, thậm chí có giảng viên trẻ đã thành công khi chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất để tạo ra hàng hóa phục vụ đời sống, xã hội từ các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Tin tưởng và đánh giá cao sức sáng tạo, lòng nhiệt huyết của giảng viên trẻ, thông qua hội thảo nhằm đề xuất những sáng kiến mới, phù hợp với thực tiễn, có thể áp dụng được tại các trường đại học, tạo mọi điều kiện cho giảng viên trẻ tham gia nghiên cứu khoa học.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra những khó khăn của giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học; những vướng mắc về cơ chế, chính sách; những bất cập khi giảng viên trẻ vừa phải tham gia nghiên cứu khoa học vừa phải đảm nhận công tác giảng dạy...

Về thực trạng nghiên cứu khoa học của các giảng viên trong các trường sư phạm trên cả nước, phóiáo sư-tiến sỹ Nguyễn Danh Nam, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, cho rằng hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên chưa được đánh giá hàng năm nên nhiều giảng viên, trong đó có cả các tiến sỹ không có các công bố khoa học trong năm.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu khoa học đầu tư chưa đồng bộ; phòng thí nghiệm phân tích số liệu còn thiếu thốn và lạc hậu chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của giảng viên; nhiều nghiên cứu còn mang tính cá nhân, chưa hình thành được các nhóm nghiên cứu trong các trường sư phạm. Một số nghiên cứu còn dàn trải, chưa tập trung, chưa xây dựng được chính sách và kế hoạch cho phát triển khoa học giáo dục khiến các nghiên cứu rất khó chuyển giao vào thực tế.

[Trường Đại học Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2]

Chỉ ra những bất cập trong nghiên cứu của khoa học của giảng viên trẻ, tiến sỹ Trần Văn Thận, Trưởng Phòng Quản lý khoa học - Trường Đại học Cửu Long, chia sẻ khá nhiều giảng viên trẻ khi chọn đề tài do không nghiên cứu kỹ, rà soát, xin ý kiến của chuyên gia dẫn đến tính khả thi trong thực tế không cao, từ đó nhiều trường hợp phải xin gia hạn đề tài. Ngoài ra, một số giảng viên trẻ do áp lực phải thực hiện nên việc nghiên cứu còn mang tính hình thức, dẫn đến đề tài nghiên cứu xong không ứng dụng trong thực tế được.

Bên cạnh những khó khăn, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục. Ông Nguyễn Tiến Công, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất Bộ nên tiếp tục thực hiện chính sách "đặc cách bổ nhiệm chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng;" việc làm này có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ đối với việc phấn đấu của giảng viên trẻ, đặc biệt là trong nghiên cứu khoa học. Quan trọng hơn là nguồn kinh phí để thưởng cho các bài báo thuộc danh mục ISI/Scopus và kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho cán bộ trẻ đến làm việc tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và phòng thí nghiệm khác trên cơ sở cán bộ trẻ trình, gắn với sản phẩm là các công bố khoa học thuộc danh mục ISI/Scopus.

Thạc sỹ Trần Thị Thanh Huyền và thạc sỹ Trịnh Thị Hoàng Anh, Khoa Luật - Học viện Phụ nữ Việt Nam, chỉ ra rằng nhằm thúc đẩy giảng viên trẻ tham gia nghiên cứu khoa học cần xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển tài sản trí tuệ của đơn vị mình cũng như tiến hành thương mại hóa các nghiên cứu khoa học, nhằm tạo lợi nhuận phục vụ cho quá trình nghiên cứu khoa học tiếp theo đạt hiệu quả.

Đối với một số ngành đặc thù, cần có giải pháp đặc thù, tiến sỹ Phương Hữu Long và tiến sỹ Nguyễn Trọng Hà, Học viện Phòng không-Không quân, hiến kế cần đẩy mạnh tổ chức các diễn đàn khoa học; đồng thời xây dựng môi trường khoa học lành mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học công bố các kết quả nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm, đề xuất giải pháp sáng kiến.

Việt Nam hiện có 236 cơ sở giáo dục đại học với 74.991 giảng viên, trong đó đội ngũ giảng viên trẻ chiếm khoảng 30%. Trong năm năm gần đây, công bố quốc tế của Việt Nam (ISI/Scoups) đã tăng hơn hai lần, năm 2014 là 4.332 bài, đến năm 2018 là 10.000 bài, trong đó các trường hợp đại học đóng góp xấp xỉ 70% số bài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục