Đề xuất xây dựng dự án cơ sở dữ liệu đất đai cho 30 tỉnh, thành phố

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Chính phủ “Đề án tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia” để triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu cho 30 tỉnh, thành phố chưa được đầu tư.
Đề xuất xây dựng dự án cơ sở dữ liệu đất đai cho 30 tỉnh, thành phố ảnh 1Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp.

Để đảm bảo tiến độ triển khai so với yêu cầu của Chính phủ đối với cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Chính phủ “Đề án tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia” để triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu cho 30 tỉnh, thành phố chưa được đầu tư bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới.

Thông tin trên vừa được đại diện Tổng cục Quản lý đất đai đưa ra tại buổi làm việc giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ, ngành liên quan về hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai, diễn ra ngày 18/2, tại Hà Nội.

Mới triển khai tại 33 tỉnh, thành phố

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là một trong 6 dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quan trọng của Chính phủ, đóng vai trò là nền tảng để xây dựng Chính phủ điện tử được ưu tiên xây dựng.

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, do đó việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai trên cả nước có ý nghĩa quan trọng thực hiện mục tiêu này.

Báo cáo về kết quả triển khai xây dựng cơ sở dữu liệu đất đai trong thời gian qua, ông Chu An Trường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai vào những năm 2014 - 2015.

[Cấp "giấy khai sinh" cho căn hộ du lịch: Condotel có cơ hội “hồi sinh”]

Tiếp đó, vào ngày 23/12/2016, Chủ tịch nước phê duyệt Hiệp định Tài trợ dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai, có hiệu lực từ tháng 3/2017 với tổng kinh phí 180 triệu USD cho 33 tỉnh, thành phố. Thời gian thực hiện dự án trong khoảng thời gian 5 năm (2017-2021).

Tuy nhiên, dự án này mới chỉ triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu cơ bản cho 33 tỉnh, thành phố. Chính vì thế, trong năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Chính phủ “Đề án tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia” để triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho 30 tỉnh, thành phố chưa được đầu tư bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).

Để đảm bảo tiến độ triển khai so với yêu cầu của Chính phủ đối với cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, đại diện Tổng cục Quản lý đất đai đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Dự án cơ sở dữ liệu đất đai cho 30 tỉnh, thành phố chưa được đầu tư trong Dự án VILG để trình Chính phủ nhằm đáp ứng thời gian hoàn thành cơ bản cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia làm nền tảng xây dựng chính phủ điện tử.

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành đã tập trung thảo luận và cơ bản nhất trí về sự cần thiết của việc xây dựng Dự án cơ sở dữ liệu đất đai cho 30 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên các đại biểu cũng lưu ý về việc bảo đảm an toàn cho hệ thống cơ sở dữ liệu; liên thông dữ liệu với các bộ, ngành.

Chia sẻ quan điểm tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là một trong 6 dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quan trọng, là nền tảng để xây dựng Chính phủ điện tử. Song theo đánh giá hiện có 2/6 cơ sở dữ liệu chưa hoàn thành là đất đai và dân cư.

Do đó, việc xây dựng Dự án cho 30 tỉnh, thành phố chưa được đầu tư trong Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai là rất cần thiết.

Đề xuất xây dựng dự án cơ sở dữ liệu đất đai cho 30 tỉnh, thành phố ảnh 2Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cần xây dựng một mô hình thống nhất

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý, theo quy định của Luật đất đai 2013, cơ sở dữ liệu đất đai tại Trung ương do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương do địa phương quản lý. Do đó, cần xây dựng một mô hình chung thống nhất tránh trường hợp “trăm hoa đua nở”.

Theo Nghị định 85/2016/NĐ-CP quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin thì hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai là hệ thống thông tin được quy định mức độ cao nhất “hệ thống thông tin phục vụ lưu trữ dữ liệu tập trung đối với một số loại hình thông tin, dữ liệu đặc biệt quan trọng của quốc gia…”

Ông Hùng cho hay: Nghị định Nghị định 85/2016/NĐ-CP quy định cụ thể trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống thông tin. Người đứng đầu của cơ quan, tổ chức là chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo và phụ trách công tác bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động của cơ quan, tổ chức mình.

[Bổ nhiệm và tái bổ nhiệm 2 Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường]

“Trong trường hợp chưa có đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin độc lập, người đứng đầu của cơ quan, tổ chức là chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm chỉ định đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin làm nhiệm vụ chuyên trách về an toàn thông tin; thành lập hoặc chỉ định bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin trực thuộc đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin,” ông Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Hùng cũng lưu ý, phần của địa phương sẽ do tỉnh tự quản lý cập nhật và tạo các ứng dụng để người dân tra cứu (không thu phí và có thu phí). Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có một thông tư hướng dẫn về việc xây dựng các ứng dụng này tránh để các địa phương xây dựng không đồng nhất.

Có chung quan điểm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu Tổng cục Quản lý đất đai, nhất là Ban quản lý dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai cần hoàn thiện các hồ sơ dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho 30 tỉnh, thành phố chưa được đầu tư.

Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên môn cần đề xuất những vấn đề chưa hoàn thành của Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai để từ đó đưa ra những đầu việc cần phải làm để hoàn thành dự án.

Từ đó, tạo nền tảng cơ bản cho công tác quản trị đất đai dựa trên hệ thống thông tin đất đai thống nhất trên phạm vi cả nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục