ĐH Kinh doanh Công nghệ phải là điển hình về đào tạo ngoài công lập

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng thầy và trò Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ​- một trong số những cơ sở đào tạo đại học ngoài công lập đầu tiên ở Việt Nam.
ĐH Kinh doanh Công nghệ phải là điển hình về đào tạo ngoài công lập ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên Cờ truyền thống của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 13/12, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng thầy và trò Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ​- một trong số những cơ sở đào tạo đại học ngoài công lập đầu tiên ở Việt Nam.

Nhà trường vinh dự đón phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập (1996​-2016).

Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được thành lập từ năm 1996 do giáo sư Trần Phương (Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) làm Hiệu trưởng.

Sau 20 năm hoạt động, Trường đã khẳng định được sứ mệnh và vị trí hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo “các nhà kinh tế thực hành và các nhà kỹ thuật thực hành” tạo nguồn nhân lực nòng cốt cho các doanh nghiệp.

Sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp được đánh giá cao về khả năng chuyên môn, kỹ năng mềm và tìm được công việc với mức lương tương đối cao.

Nhiều em đã đảm nhiệm những vị quan trọng cũng như làm chủ những doanh nghiệp của riêng mình sau khi tốt nghiệp hay thậm chí ngay khi còn trong quá trình học tập tại trường.

Đội ngũ giảng dạy của ​trường gồm 1.229 người, trong đó, 189 có trình độ tiến sỹ, phó giáo sư và giáo sư, 650 có trình độ thạc sỹ, phần còn lại là cử nhân, kỹ sư.

Các giảng viên của trường hầu như đều đảm nhận hoặc từng đảm nhận các vị trí quan trọng của Nhà nước cũng như là lãnh đạo doanh nghiệp.

Nhà trường triệt để chống tiêu cực, chống gian lận trong thi cử. Bất cứ cán bộ nhân viên sinh viên nào vi phạm sẽ chịu sự kỷ luật nghiêm khắc nhất theo quy định của nhà trường.

Từ khóa học đầu tiên gồm 850 sinh viên, qua 20 năm phát triển, trường đã đạt đến quy mô 30.000 sinh viên với 20 ngành đào tạo Đại hoc, 7 ngành đào tạo thạc sỹ, 1 ngành đào tạo tiến sỹ.

Điểm đặc biệt theo giáo sư Trần Phương, những người góp tiền vốn hoạt động của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (823 cổ đông với tổng số vốn là 118 tỷ đồng) không được chia lợi nhuận, chỉ được hưởng lợi tức cổ phần bằng lãi suất ngân hàng.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tổng kết mô hình tổ chức và quản lý theo cơ chế phi lợi nhuận, nguyên tắc tập trung dân chủ và chú trọng chất lượng đầu ra tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội để rút kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện và nhân rộng.

Thủ tướng cho rằng, những kết quả đạt được của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khẳng định sự đúng đắn của đường lối xã hội hóa giáo dục ở Việt Nam.

Nhấn mạnh đến bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển rất nhanh, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước đã xác định phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao là một khâu đột phá chiến lược của đất nước.

Do đó, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phải nỗ lực đổi mới dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; phấn đấu trở thành một cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực đa dạng của nền kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và thành tích đã được, khắc phục khó khăn, thách thức; thi đua dạy tốt, học tốt, thực hiện thành công các tôn chỉ, mục đích đề ra “đào tạo các nhà kinh tế thực hành, các nhà kỹ thuật thực hành; lấy đào tạo nghề nghiệp, thực hành làm định hướng chủ yếu.”

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị nhà trường đổi mới căn bản, toàn diện nội dung, phương thức đào tạo để phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn - đây là thế mạnh của Trường, cần đặc biệt chú trọng, phát huy.

Đào tạo phải gắn với nhu cầu thị trường lao động, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đội ngũ sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực, trình độ thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Để đáp ứng yêu cầu đó, trường cần không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, phát huy hơn nữa thế mạnh, thu hút các cán bộ lãnh đạo các Bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học, có trình độ cao, kinh nghiệm thực tiễn sau khi nghỉ hưu làm công tác giảng dạy.

“Mỗi cán bộ, giảng viên phải là tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, năng lực sáng tạo trong giảng dạy, tận tâm, tận tình hết lòng vì thế hệ trẻ,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Trao đổi với các em sinh viên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các em chú tâm học thật giỏi, rèn luyện đạo đức, nhân cách, không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, có những ước mơ, hoài bão lớn; chuẩn bị hành trang thật tốt để vào đời; chủ động sáng tạo trong học tập, nghiên cứu và hoạt động thực tiễn.

Sau khi tốt nghiệp, dù công tác ở lĩnh vực nào, các em phải luôn luôn phấn đấu trở thành những công dân gương mẫu, đóng góp tích cực cho xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc căn dặn trường nhà trường cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ dạy và học (phòng học, thư viện, trang thiết bị thực hành...); tạo mọi thuận lợi cho sinh viên, học viên trong học tập, nghiên cứu, chú trọng trang bị kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên.

Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động để trở thành một điển hình tốt về cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập; tích cực đóng góp, đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan với các cơ quan chức năng để tiếp tục hoàn thiện mô hình giáo dục đại học ngoài công lập và hệ thống giáo dục nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục