Theo website chuyên về thống kê worldometers.info, tính đến 21 giờ ngày 7/4 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có 1.363.123 người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 76.383 ca tử vong, và 293.839 bệnh nhân đã bình phục.
Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến 209 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 với 368.174 ca, tiếp đến là Tây Ban Nha với 140.510 ca, Italy với 132.547 ca. Đức ghi nhận 103.717 và Pháp là 98.010 ca, Trung Quốc hiện ghi nhận 81.740 ca.
Paris cấm các hoạt động thể thao cá nhân ngoài trời vào ban ngày
Giới chức thành phố Paris (Pháp) ngày 7/4 đã ban hành lệnh cấm các hoạt động thể thao cá nhân ngoài trời vào ban ngày khi vẫn có quá nhiều người bỏ qua những quy định phong tỏa chống dịch bệnh COVID-19 để ra đường.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran thông báo Pháp vừa trải qua ngày có số ca tử vong cao nhất (ngày 6/4) với 833 ca, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên 8.911 người trong tổng số 98.010 người nhiễm virus.
Theo quy định phong tỏa toàn quốc, có hiệu lực từ ngày 17/3, người dân chỉ có thể ra khỏi nhà vì các mục đích thiết yếu, trong đó có việc đi bộ hoặc tập thể dục một mình trong phạm vi một vi 1km từ nhà.
Tuy nhiên, với thời tiết nắng ấm vào những ngày cuối tuần, vẫn rất nhiều người dân Paris chạy, đi bộ, thậm chí tụ tập thành nhóm ngay cả khi cảnh sát đã đưa ra các mức phạt đối với những người vi phạm quy định phong tỏa.
Như vậy, kể từ ngày 8/4, cũng là tuần thứ 4 Pháp áp đặt lệnh phong tỏa, Paris sẽ siết chặt hơn quy định trên, theo đó cấm các hoạt động thể thao cá nhân ngoài trời từ 10 giờ đến 19 giờ hàng ngày.
Phần Lan bắt đầu xét nghiệm kháng thể ngẫu nhiên
Trong khi đó, cùng ngày, Phần Lan thông báo bắt đầu theo dõi sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong dân số bằng các xét nghiệm kháng thể ngẫu nhiên.
Theo Bộ Y tế nước này, các bệnh viện lớn sẽ gửi thư đến cho một số công dân được lựa chọn ngẫu nhiên ở mọi lứa tuổi để xét nghiệm tìm kháng thể mà bệnh nhân mắc COVID-19 tạo ra, bao gồm cả những người mắc mà không có bất kỳ triệu chứng nào.
Các xét nghiệm đầu tiên sẽ được tiến hành ở khu vực xung quanh thủ đô Helsinki và kết quả sẽ được sử dụng để giúp chính phủ quyết định những biện pháp cần thiết hạn chế sự lây lan của COVID-19.
Người dân Bỉ chưa tuân thủ quy định về phòng chống dịch
Cùng ngày, Trung tâm Khủng hoảng thuộc Bộ Y tế Bỉ thông báo trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 1.380 ca nhiễm bệnh, nâng tổng số mắc COVID-19 tại nước này lên 22.194 ca.
Cũng theo trung tâm trên, trong 24 giờ qua tại Bỉ có thêm 403 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số tử vong tại nước này lên 2.035. Tuy nhiên, hiện đã có 4.157 người khỏi bệnh.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Brussels, kể từ khi Hội đồng An ninh quốc gia Bỉ ban bố quy định phong tỏa toàn quốc và hạn chế đi lại nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan, Viện Kiểm sát nước này đã ghi nhận tới 5.000 trường hợp vi phạm quy định này.
Báo chí Bỉ đánh giá người dân nước này vẫn chưa thực sự tuân thủ triệt để các quy định về phòng chống dịch bệnh của chính phủ.
Trước tình trạng này, một số tòa án tại Bỉ muốn đề nghị đẩy nhanh quy trình tố tụng đối với những đối tượng vi phạm để có thể sớm xét xử họ từ nay tới mùa Hè năm 2020.
Dịch COVID-19 tại Ukraine có thể lên đỉnh điểm vào ngày 14/4
Cũng trong 24 giờ qua, Ukraine ghi nhận thêm 143 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 1.462 ca. Tổng số ca tử vong đã lên tới 45 ca.
Theo nhận định của giới chức y tế nước này, dịch COVID-19 tại Ukraine có thể lên đỉnh điểm vào ngày 14/4 tới.
Hiện Ukraine vẫn đang thực hiện các biện pháp khẩn cấp trên cả nước cho đến ngày 24/4 nhằm kiềm chế virus virus SARS-CoV-2 lây lan.
Trong thời gian thực hiện các biện pháp khẩn cấp được ban bố từ ngày 25/3, cảnh sát nước này ghi nhận 3.922 trường hợp vi phạm.
Thái Lan hoãn khai giảng năm học mới tới đầu tháng Bảy
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, nội các Thái Lan ngày 7/4 đã thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục lùi ngày khai giảng năm học mới vào ngày 16/5 đối với tất cả các trường học sang ngày 1/7 để phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan nêu rõ Bộ Giáo dục sẽ thay đổi các phương pháp học để phù hợp với hoàn cảnh cho tất cả các cấp trong năm học 2020.
Phát biểu sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Giáo dục Nataphol Teepsuwan cho biết các lớp học sẽ chuyển sang hình thức học trực tuyến.
Bộ Giáo dục sẽ chuẩn bị các lớp học trực tuyến, tính đến những khả năng và khó khăn của từng địa điểm. Tuy nhiên, ông Nataphol không nói rõ khi nào các lớp học trực tuyến sẽ bắt đầu.
Thái Lan ngày 7/4 đã công bố thêm 38 ca nhiễm và 1 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong ở nước này lên lần lượt là 2.258 ca và 27 ca.
Số liệu này cho thấy số ca nhiễm mới tại Thái Lan đang có xu hướng giảm so với 51 ca trong ngày 6/4 và 102 ca trong ngày 5/4.
Trong số các ca nhiễm tại Thái Lan, có 1.408 người đang được điều trị và 824 bệnh nhân đã bình phục và được xuất viện.
Ấn Độ xem xét kéo dài lệnh giới nghiêm
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Chính phủ Ấn Độ đang xem xét gia hạn lệnh giới nghiêm toàn quốc theo đề nghị của nhiều bang và các chuyên gia.
Trước đó, ngày 6/4, Thủ hiến bang Telegana K Chandrashekhar Rao đã kêu gọi Thủ tướng Narendra Modi kéo dài lệnh giới nghiêm thêm 21 ngày sau khi kế hoạch hiện tại sẽ kết thúc vào ngày 14/4 tới.
Thủ hiến Rao cho rằng việc ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan là rất khó với cơ sở y tế nghèo nàn.
Cùng chung quan điểm này, các quan chức cấp cao của bang Uttar Pradesh, Punjab và Maharashtra đã kêu gọi lùi thời điểm kết thúc lệnh phong tỏa.
Trong khi đó, các chuyên gia tại Ấn Độ cũng nhận định rằng phong tỏa là biện pháp phòng ngừa cần thiết giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Colombia kéo dài lệnh phong tỏa thêm 2 tuần
Trong khi đó, Tổng thống Colombia Ivan Duque thông báo Colombia sẽ gia hạn cách ly toàn quốc thêm hai tuần cho đến ngày 27/4 tới.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Duque nêu rõ cần duy trì biện pháp cách ly để ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19.
Theo thống kê, Colombia đã ghi nhận hơn 1.500 ca nhiễm và 46 ca tử vong do COVID-19.
Bộ trưởng Y tế Colomiba Fernando Ruiz cho biết con số này thấp hơn so với dự tính của nhà chức trách.
Tháng trước, Colombia đã đóng cửa biên giới, trường học và ngừng các chuyến bay quốc tế sau khi những người từng đi qua châu Âu và Mỹ đã mang theo mầm bệnh về nước.
Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, Colombia đã ban bố cách ly trên toàn quốc.
Theo kế hoạch ban đầu, lệnh này sẽ kéo dài trong trong 19 ngày và kết thúc vào ngày 13/4.
Theo quy định, mỗi gia đình chỉ được có 1 người đi mua nhu yếu phẩm.
Mọi người đều phải đeo khẩu trang khi đến các cửa hàng, ngân hàng hay lên phương tiện công cộng.
Các nhà hàng chi được phép bán đồ mang về. Các trường học đã được đóng cửa, trong khi người cao tuổi được yêu cầu ở trong nhà cho đến cuối tháng Năm./.