Điểm lại các vụ sạt lở đất thảm khốc trên thế giới

Trước vụ lở đất ngày 2/7 tại một mỏ khai thác đá quý ở làng Sate Mu, thuộc bang Kachin, Myanmar, hồi cuối năm 2015 cũng tại khu mỏ Hpakant đã xảy ra một vụ lở đất tương tự làm ít nhất 116 người chết.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường vụ lở đất ở bang Kachin, Myanmar ngày 2/7. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường vụ lở đất ở bang Kachin, Myanmar ngày 2/7. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Ngày 2/7, một vụ lở đất do trời mưa to xảy ra tại một mỏ khai thác đá quý ở làng Sate Mu, thị trấn Hpakant, thuộc bang Kachin, Myanmar.

Theo Bộ Thông tin Myanmar, vụ việc xảy ra vào lúc 8 giờ (giờ địa phương), một vách đá cao hơn 300m đã đổ sập xuống và chôn vùi những người đang ở bên trong mỏ.

Tính đến thời điểm hiện tại, vụ sạt lở đã làm hơn 100 người thiệt mạng. Những nạn nhân của vụ việc đều là người lao động tại khu mỏ khai thác đá quý trên.

[Ít nhất 50 thợ mỏ thiệt mạng do lở đất tại Myanmar]

Theo cảnh sát địa phương, hiện vẫn còn nhiều người mất tích sau vụ lở đất song các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ các nạn nhân hiện tại phải tạm thời bị đình chỉ do trời mưa to.

Các vụ lở đất gây chết người thường xuyên xảy ra tại bang Kachin, đặc biệt là khu mỏ Hpakant, phần lớn là do tình trạng bị sập từng phần của các đống phế thải quặng và các đập ngăn nước.

Trước vụ lở đất nói trên, hồi cuối năm 2015 cũng tại khu mỏ Hpakant đã xảy ra một vụ lở đất tương tự làm ít nhất 116 người chết.

Dưới đây là các vụ sạt lở đất thảm khốc trên thế giới:

Năm 2019

- Ngày 25/1: Đập hồ chứa chất thải tại mỏ quặng sắt Corrego do Feijao ở bang Minas Gerais, phía Đông Nam của Brazil, bị vỡ đã làm tràn hàng nghìn mét khối bùn và nước xuống khu vực dân cư xung quanh và khiến 270 người thiệt mạng.

Cơ quan bảo vệ môi trường Ibama của Brazil đã phạt tập đoàn Vale 66 triệu USD sau thảm họa trên.

- Ngày 6/1: Một vụ sập hầm đào vàng ở tỉnh Badakhshan, khu vực Đông Bắc Afghanistan khiến ít nhất 30 người thiệt mạng.

Người dân địa phương đã đào một hầm sâu khoảng 60m gần một bờ sông để tìm kiếm vàng và khi hầm bị sập, có rất nhiều người đang ở bên trong.

Năm 2017

- Ngày 14/8: Ít nhất 312 người đã thiệt mạng trong một trận lở đất ở chân núi Sugar Loaf, thuộc thị trấn Regent, ngoại ô thủ đô Freetown của Sierra Leone.

Vụ lở đất còn cuốn trôi nhiều nhà cửa, tài sản và khiến người dân khu vực chìm trong hoảng loạn.

- Ngày 13/8: Một vụ lở đất đã chôn vùi 2 chiếc xe khách tại bang Himachal Pradesh của Ấn Độ khiến 47 người thiệt mạng.

Hai chiếc xe gặp nạn khi đang dừng trên một đường quốc lộ thuộc huyện Mandi, cách thủ phủ Shimla của bang này 200km. Nhiều ngôi nhà cũng bị phá hủy trong vụ sạt lở này.

- Ngày 13/6: Ảnh hưởng của cơn áp thấp tại Vịnh Bengal gây ra mưa lớn đã dẫn đến lở đất trên khắp các tỉnh miền núi phía Đông Nam Bangladesh, gồm Chittagong, Cox's Bazaar và Bandarban, khiến 158 người thiệt mạng. Lở đất cũng đã chôn vùi nhiều ngôi nhà cùng tài sản của các gia đình.

- Ngày 12/3: 73 người thiệt mạng và 28 người bị thương trong một vụ lở đất xảy ra tại một bãi rác ở vùng ngoại ô thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Vụ lở đất cũng san bằng 30 ngôi nhà tạm bợ của những người sống trong bãi rác.

Năm 2016

- Ngày 24/5: Một vụ lở đất xảy ra tại khu mỏ ngọc ở thị trấn Hpakant, bang Kachin, miền Bắc Myanmar, làm 11 người thiệt mạng và chôn vùi khoảng 100 người khác. Đây đều là các công nhân đang khai thác ngọc.

Năm 2015

- Ngày 25/12: Một vụ lở đất xảy ra tại thị trấn Hpakant, bang miền Bắc Kachin, khu vực được xem là trung tâm của ngành khai thác ngọc bích trị giá hàng tỷ USD của Myanmar, khiến ít nhất 116 người thiệt mạng. Đây là vụ lở đất lớn thứ hai tại nước này trong chỉ vòng một tháng.

- Ngày 21/11: Một vụ lở đất xảy ra tại khu vực khai thác mỏ ngọc bích hẻo lánh ở Hpakant, bang miền Bắc Kachin của Myanmar đã chôn vùi khoảng 80 hộ gia đình ở làng Sankhatku.

Điểm lại các vụ sạt lở đất thảm khốc trên thế giới ảnh 1 Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân sống sót sau vụ lở đất tại mỏ đá quý ở Hpakant, bang Kachin, Myanmar ngày 24/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ít nhất 90 người thiệt mạng và nhiều người mất tích trong vụ lở đất trên. Đây được coi là một trong những thảm họa tồi tệ nhất giáng xuống ngành công nghiệp khai thác ngọc bích của quốc gia Đông Nam Á này.

- Ngày 5/11: Một con đập xử lý chất thải tại một khu mỏ thuộc bang Minas Gerais của Brazil, bị vỡ khiến 19 người thiệt mạng và hàng trăm người phải đi sơ tán.

Đây được coi là thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử Brazil, gây ra một cuộc khủng hoảng nước sạch ảnh hưởng tới 250.000 người và khiến hàng nghìn con cá bị chết.

Ước tính 60 triệu m3 chất thải đã đổ ra các con sông và cuối cùng là Đại Tây Dương.

Năm 2014

- Ngày 13/5: Một vụ tai nạn sập hầm mỏ tại Soma, thuộc tỉnh Manisa, Thổ Nhĩ Kỳ làm 301 người thiệt mạng. Đây là vụ tai nạn có số nạn nhân cao nhất trong lịch sử ngành khai thác mỏ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Vụ sập mỏ này đã gây ra một làn sóng phản đối, đỉnh điểm là cuộc tổng đình công trong ngày 15-5 ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Liên đoàn lao động Thổ Nhĩ Kỳ đại diện cho 240 nghìn người lao động cho rằng những người đưa ra chính sách tư nhân hóa đã đe dọa sự an toàn của công nhân khi cắt giảm chi phí lao động, gây nên thảm họa trên.

Năm 2008

- Ngày 8/9: Vụ tai nạn tràn bùn đã xảy ra ở huyện Tương Phần, tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc khiến 277 người thiệt mạng.

Khoảng 268.000m3 bùn đất đã tràn ngập 30,2ha đất, làm nhiều trụ sở của khu mỏ, cửa hàng và nhà dân bị vùi lấp hoặc hủy hoại.

Năm 2007

- Ngày 18/11: Một vụ nổ khí metal xảy ra xảy ra ở độ sâu khoảng 1.000 m dưới mặt đất tại mỏ than Zasyadko ở khu vực Donetsk, thuộc miền Đông Ukraine, làm 101 người thiệt mạng.

Năm 1997

- Ngày 19/7: Một vụ sập mỏ khai thác vàng ở vùng Tây Bắc Kagera, Tanzania, khiến hơn 100 thợ mỏ thiệt mạng.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục