Điểm Sử thấp kỷ lục: Khi tổ hợp Khoa học xã hội thành 'phao cứu sinh'

Mặc dù chưa có thống kê toàn quốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng thống kê của một số địa phương cho thấy, điểm thi môn Lịch sử, Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở mức thấp kỷ lục.
Điểm Sử thấp kỷ lục: Khi tổ hợp Khoa học xã hội thành 'phao cứu sinh' ảnh 1Với Atlat, thí sinh cho biết không khó để có thể kiếm điểm 5. (Ảnh: Phan Anh Tuấn/TTXVN)

Mặc dù chưa có thống kê toàn quốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng thống kê của một số địa phương cho thấy, điểm thi môn Lịch sử, Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở mức thấp kỷ lục. Cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong số khoảng 28.000 thí sinh dự thi môn Lịch sử, có gần 81% bài thi ở mức điểm dưới trung bình. Tỷ lệ này ở Đà Nẵng còn cao hơn, với gần 90% học sinh đạt điểm dưới trung bình môn Lịch sử.

Không học Sử vẫn chọn thi Lịch sử

“Em không ôn một tí nào các môn trong bài thi Khoa học Xã hội, nhưng môn Địa lý đã có Atlat, môn Giáo dục công dân thì có thể suy luận để làm, nên em vẫn làm bài khá tốt. Riêng môn Lịch sử thì em không làm được bài và đa số khoanh bừa. Tuy nhiên, em nghĩ mình có thể được 6, 7 điểm bài thi này,” Nguyễn Hà Anh, học sinh trường Trung học phổ thông Việt Đức vui vẻ chia sẻ với báo chí sáng ngày 27/6, ngay sau khi bước ra khỏi phòng thi bài thi Khoa học Xã hội, cũng là bài thi cuối cùng của Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay.

Điểm Sử thấp kỷ lục: Khi tổ hợp Khoa học xã hội thành 'phao cứu sinh' ảnh 2Phổ điểm môn Lịch sử kỳ thi THPT quốc gia 2018 của Đà Nẵng

Bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội cũng là lựa chọn của Nguyễn Minh Anh, học sinh trường Trung học phổ thông Văn Hiến (Hà Nội). Theo Minh Anh, không chỉ riêng em mà tất cả các bạn thi khối D và các thí sinh thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ chọn đăng ký dự thi bài thi Khoa học Xã hội để lấy điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông.

[Thí sinh thở phào vì đề Tổ hợp Khoa học xã hội vừa sức]

Minh Anh phân tích, với kỳ thi này, mục đích chính của em là lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học. Với khối D, ba môn chính là Toán, Văn, Ngoại ngữ đã là bài thi độc lập. Em chỉ cần thi một bài thi tổ hợp để lấy điểm xét công nhận tốt nghiệp, và điểm không cần cao. Trong khi đó, bài thi Khoa học Tự nhiên gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, đều là những môn rất khó, nếu không học kỹ khó có thể làm được bài.

“Vì thế, bài thi Khoa học Xã hội sẽ là lựa chọn phù hợp. Môn Địa lý chỉ dựa vào Atlat đã có thể có 5 điểm. Môn Giáo dục công dân không cần học cũng có thể làm được 5 điểm. Môn Lịch sử dù thấp điểm cũng không lo trượt tốt nghiệp,” Minh Anh chia sẻ.

Với Nguyễn Quang Huy, học sinh trường Trung học phổ thông Trần Phú, bài thi Khoa học Xã hội cũng là một lựa chọn hợp lý khi em chỉ thi để xét tốt nghiệp trung học phổ thông. “Với các môn Sử, Địa, Giáo dục công dân thì em không lo lắng,” Huy chia sẻ.

Điểm Sử thấp kỷ lục: Khi tổ hợp Khoa học xã hội thành 'phao cứu sinh' ảnh 3Thí sinh Nguyễn Quang Huy, Trường Trung học phổ thông Trần Phú, Hà Nội. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay, trong tổng số trên 688.600 thí sinh đăng ký dự thi Trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng chỉ có trên 279.700 đăng ký xét tuyển khối C, khối có môn Lịch sử, chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn là 10,17%, giảm 0,7% so với năm 2017.

Tuy nhiên, tổng số thí sinh chọn bài thi Khoa học Xã hội là 48%. Ngoài ra còn có 4% thí sinh đăng ký chọn cả hai bài thi tổ hợp. Tổng số thí sinh đăng ký thi bài thi Khoa học Xã hội theo đó là 52%, tăng 5% so với năm 2017.

“Phao” tốt nghiệp

Theo cô Nguyễn Thị Hồng Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội, năm nay, số học sinh của trường chọn bài thi Khoa học Xã hội tăng hơn so với năm 2017. Trường có 147 em chọn bài thi Khoa học Tự nhiên nhưng có đến 317 chọn bài thi Khoa học Xã hội, cao gấp 3 lần.

Đặc biệt, trong đó có nhiều em ban đầu chọn tự nhiên nhưng vẫn quyết định đăng ký thêm cả tổ hợp xã hội dù tổng số môn thi mà các em phải thi là 9 môn.

Điểm Sử thấp kỷ lục: Khi tổ hợp Khoa học xã hội thành 'phao cứu sinh' ảnh 4Tỷ lệ thí sinh đăng ký theo các bài thi

“Sở dĩ có hiện tượng này là bởi việc thi theo hình thức mới được áp dụng từ năm trước với quy định điểm liệt ở môn thi thành phần sẽ không được xét tốt nghiệp. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định của phần lớn thí sinh,” cô Thu chia sẻ.

“Môn tự nhiên nếu không học tốt nắm chắc kiến thức thì sẽ dễ bị điểm liệt còn các môn xã hội thì khó bị điểm liệt,” Hà Minh Hà, học sinh Trường Trung học phổ thông Phúc Lợi, Hà Nội, lý giải về việc chọn tổ hợp Khoa học Xã hội của mình.

[Tuyển sinh đại học: Thí sinh được thử điều chỉnh nguyện vọng từ 13/7]

Kết quả kỳ thi ở một số địa phương đã cho thấy những phán đoán lựa chọn của thí sinh là hoàn toàn đúng.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù có đến trên 80% thí sinh bị điểm dưới trung bình môn Lịch sử nhưng hai môn còn lại của bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội đều là có nhứng môn có số lượng thí sinh đạt điểm trên trung bình cao nhất. Cụ thể, môn Địa lý, tỷ lệ thí sinh đạt trên 5 điểm là 74,06%. Môn Giáo dục công dân đến 98,56% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên, thậm chí có đến trên 40% thí sinh đạt từ 8 điểm trở lên, chỉ một số rất nhỏ (1,44%) thí sinh đạt điểm dưới 5 ở môn thi này.

Điểm Sử thấp kỷ lục: Khi tổ hợp Khoa học xã hội thành 'phao cứu sinh' ảnh 5Tỷ lệ thí sinh đạt điểm dưới 5 các môn thi THPT quốc gia 2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Điểm thi môn Địa lý và Giáo dục công dân không khó để đạt điểm trên 5, trong khi môn Lịch sử lại thi theo hình thức thi trắc nghiệm, nên dù khoanh bừa, thí sinh vẫn có cơ hội cao không bị điểm liệt. Tại Đà Nẵng, dù có đến gần 90% thí sinh bị điểm dưới 5 môn Lịch sử nhưng chỉ có 13 em bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống).

Đề thi yêu cầu cao hơn

Cô Nguyễn Thị Quỳnh Mai, giáo viên dạy Lịch sử, Hệ thống giáo dục Hocmai, việc điểm thi môn Lịch sử rớt thảm không phải là tình trạng mới xuất hiện mà đã nhiều năm nay, nhưng ngày càng trầm trọng hơn.

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015 cả nước có 442 thí sinh bị điểm 0 môn Lịch sử. Kỳ thi năm 2016, môn thi này tiếp tục có gần 500 thí sinh 0 điểm, điểm trung bình của môn Lịch sử là 4,32 điểm.

Điểm Sử thấp kỷ lục: Khi tổ hợp Khoa học xã hội thành 'phao cứu sinh' ảnh 6Thí sinh Điện Biên hớn hở sau khi làm xong bài thi Khoa học Xã hội. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Năm 2017, điểm trung bình môn Lịch sử là 4,6. Số thí sinh bị điểm 0 là 501 em, số em đạt từ một điểm trở xuống là 869 em. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm tỷ lệ 61,9% trên tổng số thí sinh dự thi. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4 điểm.

Năm 2018, tỷ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình môn Lịch sử ở một số địa phương đã lên đến ngưỡng gần 90%.

Cô Mai cho rằng, điểm môn Lịch sử thấp trước hết do đây không còn là môn học lựa chọn của nhiều thí sinh, trong khi đề thi năm 2018 đã có rất nhiều đổi mới khi yêu cầu thí sinh phải thật hiểu về lịch sử. Thậm chí, thí sinh nếu chỉ học thuộc lòng và nhớ máy móc sự kiện, ngày tháng cũng chưa chắc sẽ làm tốt.

Cụ thể, đề thi xuất hiện các thuật ngữ lịch sử không có trong sách giáo khoa khi đề cập đến các chiến dịch, các sự kiện. Do đó, học sinh và giáo viên cần đọc thêm các tư liệu lịch sử, từ điển thuật ngữ lịch sử, giải thích cho học sinh trong quá trình giảng dạy.

Điểm Sử thấp kỷ lục: Khi tổ hợp Khoa học xã hội thành 'phao cứu sinh' ảnh 7Tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển đại học theo các tổ hợp môn thi.

Đề thi cũng chuyển dần sang xu hướng học để hiểu, học sự kiện này cần phải liên hệ với giai đoạn trước đó (yếu tố thời gian), đặt các sư kiện trong các bối cảnh chung của tình hình thế giới (yếu tố không gian) theo quan điểm Việt Nam là bộ phận của thế giới.

Những điều chỉnh của đề thi năm 2018 so với trước đây (chuyển từ việc kiểm tra việc tái hiện kiến thức sang việc đánh giá mức độ vận dụng kiến thức) khiến những học sinh có thói quen học vẹt, học thuộc lòng, không kết nối, vận dụng được kiến thức sẽ không làm được bài thi.

[Thầy giáo dạy Toán trường Lương Thế Vinh khóc khi làm thử đề thi THPT]

Bên cạnh đó, đề thi có thêm kiến thức lớp 11, phạm vi kiến thức rộng hơn, nên cảm giác khó hơn, mặc dù về dung lượng đề nhìn sơ bộ thì đề 2018 có vẻ ngắn hơn 2017.

Trong bối cảnh nhiều thí sinh không học mà chỉ đăng ký thi môn Lịch sử với mục tiêu cố gắng chống điểm liệt, với một đề thi trắc nghiệm 50 câu hỏi – nơi dù chỉ khoanh bừa thì mỗi câu hỏi thí sinh cũng có 25% khả năng trả lời đúng, trong khi đề thi lại yêu cầu cao hơn so với cách học truyền thống, theo cô Mai, việc thí sinh điểm thấp môn Lịch sử là điều dễ hiểu./.

 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục