Điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040

Theo Quyết định, Khu Kinh tế Vân Phong có diện tích khoảng 150.000ha; trong đó diện tích phần mặt nước khoảng 79.178ha, phần đất liền và đảo khoảng 70.822ha thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.
Điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040 ảnh 1Một góc khu vực Bắc Vân Phong. (Nguồn: Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 298/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là một trong những cơ sở quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28 tháng 1 năm 2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Theo Quyết định, Khu Kinh tế Vân Phong có diện tích khoảng 150.000ha; trong đó diện tích phần mặt nước khoảng 79.178ha, phần đất liền và đảo khoảng 70.822ha thuộc địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.

Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Trong đó, kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác.

Khu Kinh tế Vân Phong là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp có những sản phẩm dịch vụ, du lịch độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế; là khu vực phát triển đô thị thông minh bền vững với hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại.

[Khánh Hòa nhìn từ định hướng phát triển Khu kinh tế Vân Phong]

Về tầm nhìn và chiến lược phát triển, đến năm 2050 đưa Khu Kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế năng động, thông minh, bền vững, bản sắc, có sự gắn kết giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng.

Vân Phong là khu kinh tế có tính cạnh tranh cao dựa trên các ngành trọng điểm với lợi thế tự nhiên, là trung tâm hàng hải, du lịch, công nghiệp và cửa ngõ giao thương với thế giới của cả vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Về quy mô dân số, đến năm 2030, khu vực này có khoảng 350.000-380.000 người, đến năm 2040 có khoảng 500.000-550.000 người.

Đối với cấu trúc phát triển không gian tổng thể, khu vực Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh) gồm các khu du lịch cao cấp tại đảo Hòn Lớn và bán đảo Hòn Gốm, cảng trung chuyển quốc tế, cảng du lịch quốc tế, các công trình dịch vụ hậu cần cảng, công nghiệp tại khu vực Đầm Môn, các khu đô thị, du lịch, các không gian cây xanh, mặt nước và các khu đồi núi.

Khu vực Nam Vân Phong (khu vực phía Đông thị xã Ninh Hòa), gồm cảng trung chuyển container, cảng tổng hợp, các tổ hợp công nghiệp, kho tàng tận dụng được lợi thế của cảng nước sâu, các khu đô thị và các khu dịch vụ du lịch, được phân bố, đan xen với các không gian sinh thái ngập mặn, đồi núi sát biển, dọc theo tỉnh lộ 652D cũng như phía Đông đường sắt quốc gia Bắc-Nam.

Về hệ thống đô thị, đến năm 2030, huyện Vạn Ninh phía Bắc Khu Kinh tế Vân Phong đạt những tiêu chí cơ bản của đô thị loại IV; phát triển lên thị xã vào năm 2040; phát triển thị xã Ninh Hòa phía Nam Khu Kinh tế Vân Phong trở thành đô thị loại III vào năm 2030 và phấn đấu trở thành thành phố vào năm 2040.

Điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040 ảnh 2Khu vực cảng Bắc Vân Phong được tỉnh đặt mục tiêu phát triển trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, tạo đột phá cho tỉnh. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)

Các khu tái định cư trong khu kinh tế có tổng diện tích 717ha bao gồm các khu tái định cư đã quy hoạch khoảng 157ha, các khu tái định cư mới có tổng diện tích khoảng 560ha.

Quyết định Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong còn đề cập đến các nội dung như định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, môi trường, hệ thống giáo dục và đào tạo, y tế, thương mại-dịch vụ…

Đặc biệt, về giao thông, ngoài hệ thống cảng biển trong đó có xây dựng cảng trung chuyển quốc tế khi có điều kiện sau năm 2030 đủ khả năng tiếp nhận cỡ tàu container trọng tải đến 24.000 TEU (250.000 tấn), tàu tổng hợp, trọng tải đến 100.000 tấn hoặc lớn hơn, tại Khu Kinh tế sẽ quy hoạch, đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Vân Phong tại khu vực xã Vạn Thắng với quy mô sử dụng đất dự trữ (lấn biển) khoảng 500ha; là điểm kết nối tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột-Nha Trang, cao tốc Vân Phong-Nha Trang.

Thủ tướng Chính phủ giao cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức rà soát, lập các chương trình, khu vực và kế hoạch phát triển đô thị; triển khai thực hiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị; các quy hoạch nông thôn phù hợp với Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt đúng các quy định pháp luật.

Xây dựng cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính, nhân lực, thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật để Khu kinh tế trở thành động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa, khu vực phụ cận và của cả nước.

Khu Kinh tế Vân Phong được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 92/2006/QĐ-TTg ngày 25/4/2006. Đến nay, tại đây đã có 150 dự án (122 dự án trong nước và 28 dự án FDI) đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện đạt 2,74 tỷ USD với nhiều dự án đã đi vào hoạt động, như Nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam, Kho Xăng dầu ngoại quan Vân Phong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục