Khánh Hòa nhìn từ định hướng phát triển Khu kinh tế Vân Phong

Từ khi thành lập (tháng 4/2006) đến nay, Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút được 155 dự án đầu tư, gồm 125 dự án trong nước và 30 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD.
Khánh Hòa nhìn từ định hướng phát triển Khu kinh tế Vân Phong ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính xem sơ đồ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là định hướng xuyên suốt trong kế hoạch phát triển dài hạn của vùng đất “Rừng trầm, biển yến” Khánh Hòa.

Đối với định hướng cho Khu kinh tế Vân Phong, Bộ Chính trị nhấn mạnh xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là của khu vực kinh tế tư nhân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ.

Phát huy tối đa tiềm năng của vịnh Vân Phong

Nghị quyết 09 nêu rõ phát triển huyện Vạn Ninh trở thành đô thị biển hiện đại đẳng cấp quốc tế, trung tâm kinh tế biển hiện đại, cảng nước sâu gắn với khu phi thuế quan, công nghiệp công nghệ cao; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, là khu vực tập trung phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tàu, cảng biển, dịch vụ logistics, dịch vụ vận tải biển và các ngành công nghiệp phụ trợ cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển.

Khu kinh tế Vân Phong nằm trên địa phận của hai địa phương này, do đó có thể xác định sự tương hỗ, tác động lẫn nhau giữa khu kinh tế và Vạn Ninh, Ninh Hòa để phát triển hài hòa, hướng đến cùng một mục tiêu.

Trong số đó có thể xem Khu kinh tế Vân Phong là trung tâm, hạt nhân của sự phát triển.

['Cần có chính sách đặc thù cho Khu Kinh tế Vân Phong phát triển']

Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội liên quan đến khu kinh tế này bao gồm hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa có đoạn Vân Phong-Nha Trang; phát triển cảng biển loại 1 là cảng biển có quy mô lớn, như Khu bến Bắc Vân Phong, Khu bến Nam Vân Phong; đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh các công trình hạ tầng thiết yếu trong Khu kinh tế Vân Phong; phát triển đột phá Khu vực vịnh Vân Phong, trở thành một trong 3 vùng trọng điểm của tỉnh.

Khu kinh tế Vân Phong có diện tích 150.000ha; trong đó, diện tích mặt nước khoảng 80.000 ha, phần đất liền khoảng 70.000ha.

Theo quy hoạch ban đầu, khu kinh tế này mang tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, đây là trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận.

Từ khi thành lập (tháng 4/2006) đến nay, Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút được 155 dự án đầu tư, gồm 125 dự án trong nước và 30 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện hiện nay đạt 2,5 tỷ USD (chiếm 61%), trong đó có 97 dự án đã đi vào hoạt động.

Qua đó, khu kinh tế đã góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ.

Khánh Hòa nhìn từ định hướng phát triển Khu kinh tế Vân Phong ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát dự án nhà máy Điện BOT Vân Phong 1. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Riêng giai đoạn 2016-2020, Khu kinh tế Vân Phong đã đóng góp nguồn thu ngân sách của tỉnh khoảng 20.950 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% của tỉnh Khánh Hòa; giá trị công nghiệp-xây dựng chiếm khoảng 32,9%; tạo việc làm cho 12.000 lao động.

Kết quả nói trên chủ yếu tập trung tại khu vực Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa) với các dự án quy mô lớn đang triển khai xây dựng như nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (2,58 tỷ USD), Khu công nghiệp Ninh Thủy (294 tỷ đồng), cảng tổng hợp Nam Vân Phong (984 tỷ đồng) và một số dự án lớn đã hoạt động là Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (125 triệu USD), Nhà máy đóng tàu Hyundai-Vinashin (350 triệu USD)...

Thời điểm tăng tốc, tạo bứt phá cho Khu kinh tế Vân Phong

Tuy nhiên, sau gần 10 năm Khánh Hòa thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 24/12/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Chính trị cho rằng “Khu kinh tế Vân Phong phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.”

Khánh Hòa cũng đã xác định rõ những yếu kém, hạn chế, những tác động, ảnh hưởng khách quan và chủ quan khiến sự phát triển của Khu kinh tế Vân Phong chưa đạt được như kế hoạch.

Do đó, đầu năm 2021, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ-TU về phát triển Khu kinh tế Vân Phong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 713/QĐ-Ủy ban Nhân dân ngày 24/3/2021 về Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy.

Đặc biệt, ngày 16/6/2022, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, được áp dụng thực hiện trong 5 năm (2022-2027).

Mới đây, khi làm việc tại tỉnh Khánh Hòa, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 vừa thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với tỉnh Khánh Hòa, vừa thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong việc thực hiện mục tiêu trở thành đô thị hạt nhân, động lực phát triển, cửa ngõ chính ra Biển Đông của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong thời gian tới.

Nghị quyết 55/2022/QH15 quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, môi trường; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế Vân Phong, phát triển kinh tế biển nói chung ở Khánh Hòa.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, hiện nay Khánh Hòa tập trung triển khai rà soát, hoàn thiện các quy hoạch trong Khu kinh tế Vân Phong, các khu công nghiệp bảo đảm sự đồng bộ giữa các quy hoạch.

Tỉnh ưu tiên hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức triển khai lập quy hoạch phân khu các khu chức năng để xúc tiến kêu gọi các dự án đầu tư “mỏ neo” có tính chiến lược.

Bên cạnh đó, Khánh Hòa đẩy mạnh thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh Khánh Hòa theo Nghị quyết 55/2022/QH15 của Quốc Hội; trong đó có cơ chế đặc thù cho Khu kinh tế Vân Phong.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉnh đã có kế hoạch rất rõ ràng và giao trách nhiệm cho các sở, ngành và các địa phương bám sát vào 6 nội dung trong Nghị quyết 55 của Quốc hội đặt ra cơ chế đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa, như lĩnh vực tài chính-ngân hàng, phát hành trái phiếu địa phương, lập danh mục dự án và thúc đẩy đầu tư công, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược đầu tư...

Ngoài ra, việc đổi mới và thực hiện cải cách thủ tục hành chính; thúc đẩy triển khai đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật lớn, hiện đại cho khu kinh tế, khu công nghiệp tạo sự liên kết phát triển vùng như các tuyến đường bộ cao tốc quốc gia kết nối với Khu kinh tế Vân Phong, các cảng biển tổng hợp lớn, hiện đại; đầu tư xây dựng mới các công trình hạ tầng giao thông nội để kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông quốc gia.

Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, cho biết Khánh Hòa cũng sẽ chủ động liên kết với các địa phương lân cận vẫn còn nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển như Phú Yên, Đắk Lắk để cùng phối hợp xây dựng chiến lược liên kết phát triển vùng như Nam Phú Yên-Bắc Khánh Hòa; vùng Duyên hải Nam Trung Bộ-Tây Nguyên, hướng đến trở thành một trong những vùng động lực phát triển của khu vực và cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục