Ngày 6/3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về Đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012.
Hội nghị có sự tham dự của gần 1.400 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, các cơ quan quản lý giáo dục tại các điểm cầu truyền hình trong cả nước gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, thành phố Vinh (Nghệ An), Huế, Cần Thơ và Thái Nguyên.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã phát động và kêu gọi toàn thể sinh viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, chính quyền các cấp, trên cương vị của mình tích cực tham gia vào cuộc vận động “Đổi mới quản lý giáo dục đại học 2010-2012” nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc học này.
Lý giải về việc chọn đổi mới quản lý giáo dục đại học là khâu đột phá, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nguyên nhân cốt lõi nhất của tất cả các yếu kém mang tính hệ thống ở bậc giáo dục đại học thời gian qua là do thực hiện các giải pháp khoa học quản lý chưa sát.
Bằng chứng rõ nhất của việc không tuân thủ các quy luật quản lý hệ thống được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu lên là chưa có quy chế phối hợp trong quản lý các trường đại học, cao đẳng, giữa Bộ Giáo dục và các bộ, ngành khác, trong khi số trường đại học, cao đẳng trực thuộc các bộ, ngành khác chiếm tới 1/2 tổng số trường, dẫn đến tình trạng không có khả năng đánh giá chất lượng giáo dục đại học của toàn bộ hệ thống.
Hiện do chưa phân cấp quản lý giáo dục đại học cho chính quyền địa phương nên với tổng số 375 trường đại học, cao đẳng trong cả nước, Bộ Giáo dục Đào tạo cần hơn 2 năm mới đi kiểm tra hết 1 lượt.
Việc đánh giá kết quả lãnh đạo và quản lý của đội ngũ hiệu trưởng đại học, cao đẳng cũng chưa được thực hiện. Đây là một thiếu sót về quản lý cần sửa trong thời gian tới để thúc đẩy toàn hệ thống phát triển.
Nhất trí với quan điểm này, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, giáo sư Bùi Văn Ga cho biết, hiện chúng ta chưa có chế tài hoặc cơ chế phân biệt đối xử giữa một giảng viên có tham gia nghiên cứu khoa học với một giảng viên không nghiên cứu khoa học.
Trong khi chỉ có bằng việc tham gia nghiên cứu khoa học, người giảng viên mới có năng lực truyền đạt cho sinh viên các tri thức, công nghệ mới và trao cho thế hệ trẻ kinh nghiệm về quá trình nghiên cứu khoa học và sáng tạo tri thức mới.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng thời gian tới phải quyết liệt triển khai thực hiện Quy định 43 về phân phối thu nhập công chức theo hướng giảng viên làm việc tốt phải được hưởng thu nhập cao hơn.
Hiệu trưởng có quyền quyết định mức lương cho giảng viên, bộ sẽ cử cán bộ đến giúp đỡ những trường đã sẵn sàng thí điểm thực hiện cơ chế này.
Sau khi xác định đổi mới quản lý giáo dục đại học là khâu then chốt, Ban cán sự Đảng và Ban lãnh đạo Bộ Giáo dục Đào tạo đã ban hành Nghị quyết và Chương trình hành động cụ thể, thể hiện sự quyết liệt trong việc thực hiện lộ trình 3 năm thực hiện 2010-2012.
Ngay trong tháng 3, tất cả các trường đều tổ chức nghiên cứu, thảo luận trong sinh viên, giảng viên, tổ bộ môn,... với chủ đề: “Làm gì để bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học.”
Các hiệu trưởng được yêu cầu chậm nhất đến 15/5, phải gửi cam kết và Chương trình thực hiện 3 năm của đơn vị. Tại cấp trung ương, bộ sẽ ban hành 23 văn bản quy phạm pháp luật để phân cấp mạnh mẽ và tăng tách nhiệm, quyền tự chủ của cơ sở về quản lý giáo dục đại học.
Mỗi năm các trường được kiểm tra ít nhất 1 lần việc thực hiện chủ trương “3 công khai”./.