Phát triển du lịch đô thị bền vững tại Việt Nam

Du lịch đô thị - điểm đến chính trong xu hướng toàn cầu

Mỗi đô thị, dù ở nước ngoài hay ở Việt Nam đều có những đặc thù nhất định vì vậy muốn phát triển du lịch đô thị bền vững đều cần vận dụng sáng tạo trên cơ sở nguồn lực sẵn có, độc đáo của mỗi nơi.

Đèn lồng được treo và bày bán trên các tuyến phố cổ ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)
Đèn lồng được treo và bày bán trên các tuyến phố cổ ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)

Tốc độ đô thị hóa của nước ta tăng khá nhanh. Đây chính là điều kiện thuận lợi để khai thác phát triển du lịch, phát huy các thế mạnh về văn hóa, di sản, lịch sử của mỗi đô thị.

Nhân dịp thành phố Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng và phố cổ Hội An của tỉnh Quảng Nam vừa được ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO (UCCN), phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết về phát triển du lịch đô thị bền vững.

Các bài viết khẳng định sự đóng góp tích cực của loại hình du lịch đô thị, cũng như thúc đẩy vai trò tiếp cận văn hóa, tăng cường sức mạnh sáng tạo trong phát triển bền vững.

Bài 1: Điểm đến chính trong xu hướng toàn cầu

Du lịch đô thị từ lâu đã thu hút lượng lớn du khách từ khắp nơi trên thế giới đến tham quan với nhiều mô hình hiệu quả để Việt Nam học tập. Ở nước ta, vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX chỉ có 500 đô thị, đến năm 2022 đã tăng lên khoảng 900. Hoạt động du lịch đô thị thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực. Loại hình này cung cấp các trải nghiệm du lịch từ giá trị và sản phẩm văn hóa, kiến trúc, công nghệ, xã hội và tự nhiên đa dạng tại đô thị đó.

Từ thế giới...

Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia du lịch các đô thị vẫn là điểm đến chính trong xu hướng du lịch toàn cầu bởi nhiều lợi thế như sự thuận tiện về giao thông, quy tụ đa dạng bản sắc văn hóa, dịch vụ phong phú, dễ tiếp cận, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự…

Quá trình xây dựng, phát triển du lịch đô thị bền vững ở Việt Nam rất cần tham khảo kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới. Việc này sẽ giúp Việt Nam có bài học vận dụng chung cho các đô thị một cách hiệu quả, thiết thực, rút ngắn thời gian mày mò để phát triển du lịch bền vững.

Tiến sỹ Vũ Nam, Khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thông tin Zurich (Thụy Sĩ) được mệnh danh là trung tâm tài chính thế giới. Nơi đây cũng là thành phố du lịch nổi tiếng với khu phố cổ, hồ Zurich, nhà thờ Gross Munter, bảo tàng nghệ thuật Kunsthaus hay vườn thú. Zurich tập trung xây dựng các tiêu chí, hành động cụ thể để phát triển du lịch bền vững, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân ủng hộ.

Sau COVID-19, Zurich đã xây dựng, ban hành Chiến lược phát triển du lịch bền vững giai đoạn 2022-2026 với tên gọi “Zurich takes Responsibility” (Zurich có trách nhiệm). Chiến lược hướng tới nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân và các bên liên quan về phát triển du lịch bền vững, xây dựng Zurich trở thành một “Điểm đến du lịch thành phố bền vững” (Sustainable City Destination).

Về tổng thể, các chương trình và hành động trong chiến lược được hỗ trợ thực hiện trên một nền tảng vững chắc với thành tích và dấu ấn nổi bật. Điển hình: Zurich đứng số 1/141 thành số trên toàn cầu về chỉ số thành phố thông minh năm 2023; xếp 17/65 thành phố về chỉ số phát triển điểm đến bền vững toàn cầu (GDS Index); 2/231 thành phố về chỉ số chất lượng cuộc sống năm 2019; xếp thứ 11/100 thành phố về chỉ số thành phố bền vững Arcadis của châu Âu năm 2022 (The Arcadis Sustainable Cities Index 2022).

Trong khi đó, thành phố Lyon (Pháp) có nhiều di sản văn hóa giá trị, một nền kinh tế mạnh, có thể trở thành điểm đến cho du lịch công vụ; rượu vang và nền ẩm thực hấp dẫn. Lyon nổi tiếng với sản xuất lụa và công nghiệp dệt, hóa chất. Vì vậy, Lyon phát huy lợi thế này để thu hút, hấp dẫn khách du lịch, tập trung phát triển du lịch văn hóa lịch sử, nhất là du lịch ẩm thực với hệ thống nhà hàng cao cấp đạt sao Michelin, nhà hàng truyền thống và ẩm thực đường phố, rượu vang.

Ở Đông Nam Á, Singapore có diện tích vô cùng khiêm tốn nhưng năm 2019 đã thu hút 19,1 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch lên tới 27,7 tỷ đôla Singapore. Dù nghèo về tài nguyên du lịch tự nhiên nhưng Singapore lại là đô thị hiện đại và nhất quán trong phát triển du lịch đô thị bền vững. Singapore quan tâm đến số lượng và các giá trị mà khách du lịch mang lại cho nền kinh tế. Du lịch đô thị ở đây được nhiều bên liên quan quan tâm, mỗi quy hoạch đều được phân vùng rõ ràng.

Cơ quan quy hoạch Singapore đã bố trí quỹ đất để xây dựng khách sạn, đặt tại những vị trí trọng điểm du lịch như dọc theo sông Singapore, phố mua sắm Orchard, đảo Sentosa, khu Trung tâm thể thao (Sport Hub) hay trong khu vực trung tâm thương mại. Singapore cũng có mô hình điểm đến tích hợp (Integrated resorts) thu hút và lưu giữ du khách. Hai điểm đến tích hợp nổi tiếng nhất ở Singapore hiện nay là tổ hợp khách sạn-casino-hội nghị và trung tâm thương mại Marina Bay Sands và tổ hợp trung tâm vui chơi giải trí và casino Resorts World Sentosa trên đảo Sentosa.

ttxvn-khach-du-lich-tai-singapore-1477.jpg
Khách du lịch tại Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại Singapore, các khu thương mại trung tâm, khu văn hóa… được kết nối liền mạch thông qua một mạng lưới liên kết giao thông toàn diện trên cao, dưới lòng đất. Giao thông du lịch trong đô thị rất thuận tiện, được du khách đánh giá cao...

Đến Thành phố sáng tạo UNESCO - Hội An và Đà Lạt

Tiến sỹ Nguyễn Văn Lưu, nguyên Vụ trưởng Vụ Đào tạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ về phát triển du lịch đô thị độc đáo tại Hội An và Đà Lạt - 2 thành phố vừa được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo.

Theo ông, ở Hội An hiện có nhiều hoạt động du lịch đô thị tạo nên một thương hiệu đặc sắc. Điển hình là việc tái hiện không gian đô thị cổ vào đêm 14 Âm lịch hàng tháng. Phố cổ Hội An sẽ tắt điện, thắp đèn lồng, tạo nên một cảnh tượng huyền ảo. Du khách được tham gia nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống, chợ đêm, thả đèn hoa đăng, âm nhạc đường phố. Hoạt động này bắt nguồn từ chương trình “Tái hiện đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX” diễn ra từ năm 1998, được duy trì và phát triển đến nay.

Điều đặc biệt ở Hội An là không gian “Phố đi cho người đi bộ và xe không động cơ” từ tháng 6/2004 và mở rộng vào năm 2017. Du khách đến đây ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu phố cổ sẽ được tham gia nhiều hoạt động văn hóa, giải trí hấp dẫn…

Hội An đặc biệt chú trọng bảo tồn, gìn giữ “bảo tàng sống” chính là từng mái nhà, góc phố, ngôi đình, cây cầu… trong không gian một đô thị cổ kính, thanh bình. Nơi đây không chỉ hấp dẫn du khách bởi kiến trúc cổ kính, không gian yên tĩnh, món ăn độc đáo, còn bởi chính con người. Người Hội An thuần hậu, tao nhã, hiền hòa, mến khách đã rút ngắn khoảng cách, xóa nhòa ranh giới ngôn ngữ của du khách, nhất là khách quốc tế. Để Hội An có được sự hấp dẫn riêng có như ngày nay là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đến từng người dân.

Năm 2023 là dấu mốc quan trọng với Hội An khi chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Hội An luôn khẳng định các giá trị truyền thống, văn hóa bản địa, phong tục, tập quán, di sản lâu đời chính là nền tảng, động lực để thế hệ sau tiếp tục bảo tồn, phát huy và sáng tạo.

ttxvn-du-lich-da-lat-dong-nhung-khong-qua-tai-4858.jpg
Khu vực hồ Xuân Hương là điểm check in với Mai Anh Đào của du khách khi đến với thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN)

Còn Đà Lạt là một điểm du lịch thơ mộng với không gian yên bình, khí hậu mát mẻ, hoa nở quanh năm, hệ thống đồi núi và cao nguyên đặc trưng vùng Tây Nguyên, sông, hồ, suối, thác cũng tạo ra vẻ đẹp khác biệt. Đà Lạt thu hút khách du lịch không chỉ bởi giá trị tự nhiên vốn có mà còn từ các giá trị văn hóa, sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sỹ.

Khu sinh thái, trang trại nông nghiệp, nhà vườn… cũng là nét cuốn hút đặc trưng. Đà Lạt hiện có 33 danh thắng đang kinh doanh hiệu quả; hơn 60 điểm tham quan mở cửa miễn phí đón khách quanh năm. Có 45 hãng lữ hành trong nước, quốc tế đang kinh doanh phát triển sản phẩm du lịch trong thành phố.

Ở Đà Lạt, các loại hình vui chơi giải trí không ồn ào, náo nhiệt, chủ yếu là khám phá thiên nhiên, cắm trại, chụp ảnh, chiêm ngưỡng cảnh quan. Du khách có thể trải nghiệm đi xe đạp, xe máy quanh các triền đồi, thung lũng để khám phá cảnh đẹp bình minh hay khi hoàng hôn xuống. Một sản phẩm hấp dẫn khác là lễ hội truyền thống và hiện đại, góp phần làm tăng thêm tính hấp dẫn của du lịch đô thị nơi đây.

Để thành công trong phát triển du lịch đô thị, Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển. Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành 3 nghị quyết quan trọng: “Phát triển du lịch chất lượng cao,” “Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại” và “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ” nhằm cải thiện môi trường phát triển, đặc biệt là phát triển du lịch trong đó có du lịch đô thị theo hướng bền vững.

Trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc là tin vui nhân dịp Đà Lạt kỷ niệm 130 năm hình thành, phát triển (1893-2023). Bên cạnh du lịch, Đà Lạt mong muốn tiềm năng của các ngành công nghiệp văn hóa; trong đó âm nhạc sẽ đóng vai trò cốt lõi để thúc đẩy hội nhập quốc tế, phát triển đô thị bền vững, gắn kết các nhóm xã hội, dân tộc và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Qua đó có thể thấy, mỗi đô thị, dù ở nước ngoài hay ở Việt Nam đều có những đặc thù nhất định. Muốn phát triển du lịch đô thị bền vững đều cần vận dụng sáng tạo trên cơ sở nguồn lực sẵn có, độc đáo của mỗi nơi nhằm tạo sức hút với du khách./.

Bài 2: Sáng tạo, linh hoạt và bảo vệ môi trường

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục