Đức không đạt mục tiêu giảm khí thải CO2 trong năm 2022

Một trong những nguyên nhân khiến Đức không đạt được mục tiêu giảm khí thải CO2 là do cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy Đức cho phép quay trở lại sử dụng nhiều than và dầu hơn.
Đức không đạt mục tiêu giảm khí thải CO2 trong năm 2022 ảnh 1Khói thải bốc lên từ nhà máy điện ở Niederaussem, Đức, ngày 5/10/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chưa bao giờ Đức sử dụng nhiều năng lượng tái tạo như trong năm 2022, nhưng một lần nữa nền kinh tế "đầu tàu" châu Âu này không đạt được mục tiêu giảm khí thải carbon dioxide (CO2).

Một trong những nguyên nhân bỏ lỡ mục tiêu này là do cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy Đức cho phép quay trở lại sử dụng nhiều than và dầu hơn.

Báo cáo ngày 4/1 của Tổ chức tư vấn năng lượng Agora Energiewende cho biết Đức đã phát thải 761 triệu tấn khí nhà kính trong năm 2022, chỉ ít hơn một tấn so với năm 2021 và vượt quá mục tiêu 756 triệu tấn.

[Đức: Kết quả COP27 mang tới "hy vọng lẫn thất vọng"]

Giám đốc Agora của Đức, Simon Mueller, nhận định: "Lượng khí thải CO2 đang ở mức cao, mặc dù mức tiêu thụ năng lượng của các hộ gia đình và ngành công nghiệp thấp hơn đáng kể." Đây là một tín hiệu báo động liên quan đến các mục tiêu khí hậu.

Chính phủ Đức đã đặt mục tiêu giảm 40% lượng khí thải CO2 vào năm 2020 so với mức của năm 1990, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đó.

Theo thống kê của Agora, đến năm 2022, Đức đã giảm được 39% so với mức của năm 1990.

Giới phân tích cho rằng việc không đạt mục tiêu đề ra bất chấp mức tiêu thụ năng lượng giảm kỷ lục 4,7% trong năm ngoái, một phần là do giá nhiên liệu tăng vọt liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Bên cạnh đó, những kết quả từ việc tiết kiệm năng lượng cũng bị xóa sổ do quyết định đốt thêm than và dầu của chính phủ để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt tự nhiên sau khi Nga cắt giảm.

Việc sử dụng trở lại nhiên liệu hóa thạch “phủ bóng” lên một mốc quan trọng khác: năng lượng tái tạo chiếm 46% tổng nguồn cung năng lượng của Đức vào năm ngoái, mức cao nhất mọi thời đại.

Theo Agora, sự gia tăng này chủ yếu là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho năng lượng gió và Mặt Trời.

Mặc dù vậy, Thủ tướng Olaf Scholz vẫn nhiều lần nhấn mạnh rằng việc quay trở lại sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một biện pháp tạm thời do khủng hoảng năng lượng gây ra và chính phủ của ông vẫn cam kết chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Đức vẫn đặt mục tiêu loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030 và trung hòa khí thải carbon vào năm 2045.

Tuy nhiên, Agora cho biết Berlin cần tăng cường mạnh mẽ việc mở rộng năng lượng tái tạo trong năm nay. Để đạt được các mục tiêu chính đặt ra cho năm 2030, Đức sẽ phải tăng gấp đôi sản lượng năng lượng Mặt Trời và hơn gấp ba công suất năng lượng gió./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục