Dùng kháng sinh tự phát: Nhiều hậu quả khôn lường

Việc người dân dùng kháng sinh không đúng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện khiến cho việc điều trị khó khăn hơn.
Ông Lương Ngọc Khuê-Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh cho hay, điều đáng lo ngại tại Việt Nam hiện nay là việc người dân sử dụng kháng sinh ngày càng tự phát, chuyển từ sử dụng kháng sinh sang lạm dụng kháng sinh.

Việc sử dụng kháng sinh không đúng và không phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện, lan rộng và kéo dài khiến cho việc điều trị nhiều bệnh trở nên khó khăn hơn.

Tại hội nghị tư vấn xây dựng kế hoạch hành động chống kháng thuốc diễn ra sáng 26/10, tại Hà Nội, đại diện Cục quản lý khám chữa bệnh phân tích vấn đề kháng thuốc đang gây ra một hậu quả và gánh nặng nghiêm trọng khi nó sẽ tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt ở bệnh nhân bị nhiễm trùng do sinh vật đa kháng.

Theo ông Khuê, trong những năm qua, các bệnh lây nhiễm tại Việt Nam có xu hướng giảm dần. Hiện ước tính bệnh này chỉ chiếm 25% tổng số bệnh tật tại Việt Nam. Mặc dù tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm đã giảm dần, song nhu cầu và thực trạng sử dụng kháng sinh lại không hề giảm và ngày càng gia tăng.

Các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, đường hô hấp, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm khuẩn bệnh viện là các nguyên nhân hàng đầu gây tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao ở cả Việt Nam và các nước đang phát triển. Việc kiểm soát các loại bệnh này đã và đang chịu sự tác động bất lợi của sự phát triển và lan rộng tình trạng kháng thuốc.

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, hầu hết các bệnh viện đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh.

Theo kết quả giám sát kháng kháng sinh của các vi khuẩn đa kháng tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế do một nhóm nghiên cứu của bệnh viện này tiến hành năm 2009-2010 cho thấy có 44 chủng đa đề kháng và 15 chủng toàn kháng.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 440.000 trường hợp mới của bệnh lao đa kháng thuốc xuất hiện hàng năm, làm ít nhất 150.000 người chết. Cho đến nay, kháng thuốc lao diện rộng đã được báo cáo tại 64 quốc gia.

Sau khi mở rộng nhanh chóng trong việc tiếp cận với thuốc kháng virus trong những năm qua, sự kháng thuốc đã trở thành một mối quan tâm lớn trong điều trị nhiễm HIV.

Theo Thứ trưởng, gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng khiến cho chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài làm ảnh hưởng đến người bệnh, sức khỏe cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội. Chính vì vậy cần có những giải pháp, kế hoạch tổng thể, dài hạn để chống tình trạng kháng thuốc.

Vấn đề kháng thuốc kháng sinh đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển với gánh nặng của các bệnh nhiễm khuẩn và những chi phí bắt buộc cho việc thay thế các kháng sinh cũ bằng các kháng sinh mới, đắt tiền.

Tổ chức Y tế thế giới nhận định, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên phụ thuộc kháng sinh và yêu cầu toàn cầu có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuốc kháng sinh quý giá cho thế hệ sau.

Vấn đề kháng thuốc không phải là mới, nhưng đã trở nên nguy hiểm, cấp bách, đòi hỏi các nước phải có nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi cảnh quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh (năm 1942).

Tại hội nghị, các đại biểu sẽ thảo luận và đưa ra các giải pháp để nâng cao nhận thức của cộng đồng về chống kháng thuốc; thiết lập hệ thống giám sát về kháng thuốc và nâng cao chất lượng xét nghiệm vi sinh, từ đó xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách liên quan đến kháng thuốc và tiến tới thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chống kháng thuốc với sự tham gia của các bộ ngành./.
Kháng thuốc là tình trạng các vi sinh vật (như vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng) kháng lại các thuốc kháng sinh đã nhạy cảm với các sinh vật này trước đây.

Sinh vật đề kháng có thể chịu được sự tấn công của các thuốc chống vi trùng như thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, thuốc chống sốt rét dẫn đến việc áp dụng các phương pháp, thuốc điều trị đặc hiệu sẽ trở nên không hiệu quả, nhiễm khuẩn kéo dài, thậm chí gây tử vong và có thể lây lan cho người khác.

Trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc.
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục