Đường dây nóng về ô nhiễm: Nhiều nơi vẫn dừng ở mức 'xử lý thông tin'

Việc công bố, công khai thông tin, kết quả xử lý chưa được kịp thời. Hiệu quả giải quyết dứt điểm các vấn đề ô nhiễm môi trường được phản ánh qua đường dây nóng ở một số địa phương còn thấp.
Đường dây nóng về ô nhiễm: Nhiều nơi vẫn dừng ở mức 'xử lý thông tin' ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết sau hơn 3 năm thiết lập và vận hành đường dây nóng về ô nhiễm môi trường, hiệu quả giải quyết dứt điểm các vấn đề ô nhiễm được phản ánh qua hệ thống đường dây nóng ở một số địa phương vẫn còn thấp, đa phần mới dừng lại ở mức “xử lý thông tin.”

Dẫn báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BTNMT ngày 10/10/2017 về việc “tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng,” đại diện Tổng cục Môi trường cho biết hơn 3 năm qua, đường dây nóng về ô nhiễm môi trường của Tổng cục và Sở Tài nguyên Môi trường các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận 4.149 thông tin từ các tổ chức, cá nhân phản ánh với 3.918 vụ việc về ô nhiễm môi trường.

Qua công tác tiếp nhận, xác minh, các vụ việc ô nhiễm môi trường được phản ánh thông qua đường dây nóng và qua phương tiện truyền thông, báo chí - ý thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ các vụ việc được xác minh, xử lý cũng tăng dần theo thời gian.

Cụ thể, trong năm 2018, tỷ lệ vụ việc được xác minh là 54%, xử lý 43%. Năm 2020, tỷ lệ vụ việc được xác minh và xử lý đã được nâng lên lần lượt là 79% và 71%. Đến nay, tỷ lệ vụ việc được xác minh đã đạt 98%, tỷ lệ xử lý đạt 93%.

[Năm 2022, Bộ TN-MT sẽ thanh tra diện rộng về đất đai, môi trường]

Tuy vậy, thực tế triển khai hệ thống đường dây nóng từ cấp Trung ương đến địa phương vẫn còn một số hạn chế như: Việc thiết lập, tổ chức đường dây nóng tại các địa phương chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất đầu mối; nhiều thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường mới chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận thông tin, ghi sổ nhật ký, gây khó khăn cho công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện.

Việc công bố, công khai thông tin, kết quả xử lý cũng chưa được kịp thời. Hiệu quả giải quyết dứt điểm các vấn đề ô nhiễm môi trường được phản ánh qua đường dây nóng ở một số địa phương còn thấp, đa phần mới dừng lại ở mức xử lý thông tin, chưa chú trọng xử lý vụ việc, dẫn đến một số vụ việc chưa được xử lý thỏa đáng, người dân tiếp tục phản ánh lại nhiều lần, giảm hiệu quả đường dây nóng.

Trước thực tế trên, phía Tổng cục Môi trường cho rằng cần phải tiếp tục kiện toàn, mở rộng phạm vi hoạt động của đường dây nóng tối thiểu đến cấp huyện; căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, có thể thiết lập đường dây nóng đến cấp xã; triển khai hoạt động, vận hành đường dây nóng thông suốt, thống nhất từ trung ương tới địa phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục