ECB có thể đưa ra lộ trình rõ ràng hơn để rút lại các gói kích thích

Lạm phát tại Eurozone hiện đang ở mức cao kỷ lục 7,5% và nhiều khả năng sẽ còn tăng hơn nữa; nền kinh tế của khối hiện đang đình trệ, với tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
ECB có thể đưa ra lộ trình rõ ràng hơn để rút lại các gói kích thích ảnh 1Lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hiện đang ở mức cao kỷ lục 7,5%. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 14/4, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiến hành cuộc họp chính sách. Tại đây, ngân hàng này có thể đưa ra một lộ trình rõ ràng hơn để rút lại các gói kích thích quy mô lớn bất thường do lo ngại về tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục đang lấn át mối lo về nguy cơ suy thoái kinh tế liên quan đến bất ổn địa chính trị.

ECB đã giảm quy mô của các gói kích thích kinh tế trong nhiều tháng qua, nhưng cho đến nay họ vẫn tránh đưa ra cam kết về thời điểm chấm dứt hoàn toàn chương trình này, do lo ngại rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine và giá năng lượng cao ngất ngưởng có thể đột ngột khiến triển vọng kinh tế khu vực “xoay chiều.”

Hiện tại, ECB có kế hoạch chấm dứt việc mua trái phiếu, thường được gọi là chương trình nới lỏng định lượng, vào quý 3 năm 2022 và việc tăng lãi suất sẽ được tiến hành một thời gian sau đó.

Mặt khác, lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hiện đang ở mức cao kỷ lục 7,5% và nhiều khả năng sẽ còn tăng hơn nữa. Mặt khác, nền kinh tế của khối hiện đang đình trệ, với tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine, gây tổn thương cho cả các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Nhà kinh tế Nick Kounis của ABN Amro cho biết: “Với mức độ bất ổn tăng cao, ECB có thể sẽ muốn duy trì tính tùy chọn và linh hoạt trong chính sách của mình. Tuy nhiên, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ có thể sẽ gia tăng, với động tái dễ xảy ra nhất trong những tháng tới là chấm dứt hoạt động mua tài sản ròng và sau đó là tăng lãi suất chủ chốt.”

[Các thành viên ECB chia rẽ về cách thức ứng phó với lạm phát]

Một loạt nhà hoạch định chính sách "bảo thủ," bao gồm các thống đốc ngân hàng trung ương của Đức, Hà Lan, Áo và Bỉ đều đưa ra nhận định về triển vọng tăng lãi suất, với lo ngại rằng lạm phát cao có thể kéo dài quá lâu.

Vì vậy, mặc dù chính sách của ECB có thể sẽ không thay đổi tại cuộc họp sắp diễn ra, Chủ tịch ECB Christine Lagarde có thể chịu áp lực phải đưa ra tín hiệu chắc chắn hơn rằng sự hỗ trợ sẽ quay trở lại trong những tháng tới.

Sự thận trọng của các nhà hoạch định chính sách của ECB báo hiệu triển vọng kinh tế đang xấu đi nhanh chóng. Giá năng lượng cao đang làm cạn kiệt nguồn tiết kiệm của các hộ gia đình và sự không chắc chắn gây ra bởi khủng hoảng Ukraine đang ngăn cản nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp.

Các ngân hàng cũng đang thắt chặt khả năng tiếp cận tín dụng, động thái thường thấy trong như thường lệ trong thời kỳ bất ổn địa chính trị, có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái.

Trong khi đó, những người ủng hộ chính sách hiện tại lại cho rằng phần lớn lạm phát của Eurozone là kết quả của những cú sốc về nguồn cung bên ngoài, do đó lạm phát sẽ tự nhiên giảm theo thời gian.

Tuy nhiên, cân nhắc giữa hai quan điểm đối lập, ECB có khả năng nhận thấy rủi ro lớn hơn từ lạm phát cao và dẫn tới việc dần dần điều chỉnh chính sách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục